Dịch Covid-19 đã tác động tới rất nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các ngành vận tải, du lịch, xuất nhập khẩu… Trong khi đó, các ngân hàng đang là đối tượng chịu tác động ngay sau đó do hàng trăm nghìn tỷ đồng đang cho các DN vay vốn.
Sau doanh nghiệp đến ngân hàng
Hơn 100 nghìn tỷ đồng là con số tổng dư nợ của gần 2.900 khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại một ngân hàng lớn có trụ sở tại Hà Nội. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, lãnh đạo ngân hàng cho biết, con số này chiếm tới 11% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng này tính tới đầu tháng 3. Trong đó có gần 200 khách hàng lớn với dư nợ hơn 71 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,5% dư nợ hệ thống), gần 900 khách hàng vừa và nhỏ có dư nợ gần 23 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 2,5% dư nợ hệ thống).
Vị này cho biết, rất nhiều khách hàng vay vốn tại ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn tới khó thu xếp nguồn vốn trả nợ. Điều này cũng khiến ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn khi vòng quay vốn vỡ kế hoạch và phải kéo dài, thậm chí các khoản vay này có thể không thu được lãi trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Thậm chí, nếu DN khó khăn, ngừng hoạt động hay phá sản thì nguy cơ khoản nợ đó chuyển thành nợ xấu là hoàn toàn có thật.
Trước diễn biến vẫn còn phức tạp của dịch Covid-19, ngân hàng này đã họp ban lãnh đạo và đang xem xét cơ cấu khoản nợ gần 20 nghìn tỷ đồng cho 80 khách hàng đã được “khoanh vùng”.
Không chỉ trường hợp vừa nêu, ngân hàng dẫn đầu hệ thống hiện nay như Vietcombank cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, Vietcombank cũng đã phân loại khách hàng với số dư nợ khoảng 48 nghìn tỷ đồng để có giải pháp hỗ trợ như cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay…
Hay tại BIDV, theo thống kê sơ bộ, dư nợ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 là khoảng 140 nghìn tỷ, chiếm 13% dư nợ hệ thống của BIDV. Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV cho biết, ngân hàng đã triển khai gói 5 nghìn tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, gói 20 nghìn tỷ đồng và gói 100 triệu USD cho khách hàng DN; Đồng thời, giảm lãi suất để hỗ trợ các đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19. Khách hàng vừa và nhỏ cũng được hỗ trợ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng và giảm lãi suất. Ông Lâm dự kiến, số tiền ngân hàng hỗ trợ khách hàng cả năm nay qua các gói hỗ trợ lên tới 600 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACB cũng cho biết, ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng 25 nghìn tỷ với lãi suất tối thiểu 6,5% và cố định lãi suất này trong thời hạn 3 tháng đến 3 năm để khách hàng yên tâm ổn định kinh doanh…
Ngân hàng đừng trông chờ ngân sách
250.000 tỷ tín dụng ưu đãi cho các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Đây là tổng số vốn cam kết cho vay mà Ngân hàng Nhà nước thống kê sơ bộ tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, diễn ra sáng 2/3.
Tùy từng ngân hàng sẽ có những chính sách khác nhau, như giảm lãi suất khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, cả bằng tiền đồng và USD. Ngoài ra còn có các hình thức khác như cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí giao dịch, chuyển tiền...
Trên thực tế, các ngân hàng vẫn đang xác định các ngành nghề bị ảnh hưởng theo tiêu chí DN bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp… để hỗ trợ. Các gói tín dụng hỗ trợ mà các ngân hàng đưa ra và đang được thực hiện là giải pháp cấp bách trong khi chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thông tư hướng dẫn.
Theo thống kê sơ bộ từ NHNN, đến ngày 2/3 có 23 tổ chức tín dụng đã báo cáo lên NHNN với ước tính khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% tổng dư nợ của 23 ngân hàng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay trên toàn hệ thống. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng thừa nhận, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
Do đó, theo NHNN, phạm vi hỗ trợ trong đợt này sẽ rất rộng bởi có nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp như: Lưu trú, vận tải, xuất nhập khẩu… Tác động gián tiếp còn rộng hơn nữa. Vì vậy, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng ngay đầu tháng 3 tiếp tục đánh giá và đưa ra danh sách các ngành bị ảnh hưởng một cách cụ thể, mức độ ảnh hưởng.
Hiện, trong dự thảo thông tư hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đang cho phép các ngân hàng tự đưa ra tiêu chí để khoanh vùng khách hàng chịu tác động để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, các ngân hàng lại đề xuất NHNN đưa ra tiêu chí cụ thể và thống nhất để xét duyệt đối tượng hỗ trợ, bởi lo ngại một DN vay hai ngân hàng lại hưởng hai cơ chế hỗ trợ khác nhau sẽ dẫn tới “ý kiến”.
Tuy nhiên, theo NHNN, việc hỗ trợ phải căn cứ vào tiềm lực của từng ngân hàng. Ví dụ, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống năm 2019 sẽ thuận lợi trong việc dành nguồn lực để chia sẻ khó khăn với DN. NHNN cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diến biến phức tạp, Chính phủ cũng chưa quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế nên ngành ngân hàng cũng chưa thay đổi kịch bản năm nay nhưng phải xác định nhiệm vụ chia sẻ, đồng hành cùng DN. Các ngân hàng cũng được yêu cầu chủ động tự cân đối, tính toán khoanh, giãn, hoãn nợ, giảm phí trên tinh thần tự lực. Đồng thời, đẩy mạnh tiết kiệm chi phí nhất là chi phí quản lý hành chính để không ảnh hưởng sâu tới kế hoạch tài chính, nhất là kế hoạch lợi nhuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận