“Ma men” ngày càng manh động
Khoảng 19h45 tối 4/7, Đội CSGT Bình Triệu (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM) trong lúc làm nhiệm vụ tại ngã tư QL1 - Tô Ngọc Vân (quận 12) phát hiện một người đàn ông có dấu hiệu say xỉn đã ra hiệu dừng xe kiểm tra. Qua đó phát hiện lái xe Đặng Văn Đức (30 tuổi, quê Hậu Giang) có nồng độ cồn 0,579mg/l khí thở.
Bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, tài xế xin đi vệ sinh rồi dùng dao đâm CSGT từ phía sau (ảnh cắt từ clip của CSGT).
Trong lúc xử lý vi phạm, Đức xin đi vệ sinh, sau đó cầm con dao có cán vàng, dài khoảng 15cm quay lại, bất ngờ đâm vào bên phải cổ đại úy Lê Bảo Trung dẫn đến chảy máu. Chưa dừng lại, người này còn tiếp tục tấn công một cán bộ chiến sĩ khác trong tổ công tác nhưng không gây thương tích.
Ngay sau đó, tổ công tác đã khống chế thành công Đức và bàn giao người này cho công an phường Thạnh Xuân (quận 12) cùng hung khí.
Trước đó, khoảng 20h40 ngày 23/6, tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đang thực hiện nhiệm vụ tại đường Nhiệt Điện phát hiện Đặng Văn Chiến điều khiển xe mô tô chở một người ngồi sau, cả hai đều không đội mũ bảo hiểm.
Tổ công tác ra tín hiệu dừng xe, thông báo lỗi vi phạm và yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe Đặng Văn Chiến. Do trước đó đã sử dụng rượu bia, Chiến đã không chấp hành yêu cầu còn sử dụng điện thoại quay clip, lăng mạ tổ công tác và lao vào tấn công, hành hung khiến một cán bộ CSGT bị thương.
Ngay sau đó, tổ công tác đã khống chế và đưa đối tượng về trụ sở, lập biên bản về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Tại cơ quan công an, qua kiểm tra, Đặng Văn Chiến có nồng độ cồn 0,537 miligam/lít khí thở, vượt mức phạt kịch khung là 0,4 miligam/lít khí thở.
Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 33 vụ không chấp hành luật giao thông, chống lại lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ, bắt giữ 35 đối tượng, trong đó có 19 vụ do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia (chiếm 57,6%), làm 7 CSGT bị thương, bắt giữ 19 đối tượng.
Rõ ràng việc ra quân xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng thời gian qua, tình trạng uống rượu bia lái xe đã giảm rõ rệt. Kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn được nhiều báo, đài, mạng xã hội đưa tin và được quần chúng nhân dân ủng hộ, câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình”, mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia”.
Tuy nhiên, số vụ chống đối lực lượng chức năng để trốn kiểm tra nồng độ cồn vẫn còn phức tạp.
TS Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển GTVT - Đại học Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, Cẩm nang ATGT đường bộ dành cho những nhà hoạch định chính sách và thực thi 2007 đã chứng minh nồng độ cồn ảnh hưởng đến các kỹ năng lái xe ở tất cả các cấp độ. Một lượng rượu bia rất nhỏ có thể ảnh hưởng tới tầm nhìn, khả năng tập trung, phán đoán của người lái (đồng nghĩa với việc những khả năng quan sát và xử lý thông tin, tốc độ phản ứng đều suy giảm ở mức nồng độ cồn trong máu rất thấp) và ảnh hưởng tiêu cực này sẽ càng lớn khi nồng độ cồn trong máu tăng.
Đáng chú ý, sau khi sử dụng rượu bia, khả năng tự kiềm chế của người lái giảm đi rất nhiều, là nguyên nhân gây ra TNGT, các vụ ẩu đả…
Bên cạnh tăng cường xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn, theo các chuyên gia cần đa dạng hoá hình thức xử phạt để tăng tính răn đe.
Phạt tù, bắt lao động công ích
Theo bà Huyền, TNGT liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ khoảng 36% số vụ, trong khi đó trên thế giới, tỷ lệ này chỉ 11 - 25%. Số liệu thống kê vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam của cơ quan chức năng chỉ chiếm 4 - 5%, trong khi theo nghiên cứu độc lập của WHO, tỷ lệ này chiếm đến gần 40%.
“Chúng ta mới chỉ xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao bằng cách tước bằng lái 2 năm, sau đó trả lại mà chưa có quy định phạt tù hoặc tịch thu phương tiện”, TS Huyền nói.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, mức phạt tiền tại Việt Nam (từ 18 - 40 triệu đồng) so với thế giới là khá cao, tuy nhiên hình phạt bổ sung mới chỉ dừng ở thu giữ GPLX, chưa đủ sức răn đe.
Tại Đài Loan, người lái xe trong tình trạng say xỉn dù không gây tai nạn có thể bị phạt tù tới ba năm hoặc bị phạt tới 300.000 Tân Đài tệ. Nếu gây thương vong sẽ bị phạt từ một đến ba triệu Tân Đài tệ, tịch thu bằng lái trong hai năm, buộc phải lắp thêm thiết bị có tính năng kiểm soát nồng độ cồn trên xe khi xin giấy phép lái xe mới, tịch thu phương tiện, chưa kể các trách nhiệm hình sự.
Tại Nhật Bản, nếu lái xe bị phát hiện có nồng độ cồn từ 0,03 - 0,9% (tương đương một ly bia), tài xế có thể bị phạt tối đa 4.000 USD (hơn 93 triệu đồng) và ba năm tù. Từ 0,08% trở lên, bị phạt tối đa 8.800 USD (hơn 205 triệu đồng) và 5 năm tù.
Không chỉ vậy, cả hành khách ngồi trên phương tiện của tài xế bị say rượu cũng bị phạt tiền với mức tối đa là 500.000 Yên (tương đương 3.820 USD) hoặc thậm chí ngồi tù tới ba năm.
Còn với lái xe say rượu gây tai nạn, mức phạt có thể lên đến tối đa 20 năm tù trong trường hợp gây chết người hoặc 15 năm tù trong trường hợp không gây chết người.
Ở Singapore, lái xe trong khi bị ảnh hưởng bởi rượu và chất kích thích là hành vi phạm tội hình sự. Người vi phạm lần đầu tiên sẽ bị phạt tiền từ 2.000 - 10.000 đôla Singapore hoặc bị phạt tù tới 12 tháng hoặc cả hai. Tòa án cũng sẽ cấm người điều khiển phương tiện cầm lái trong tối thiểu 2 năm trừ khi có lý do đặc biệt.
Hiện trường tài xế say xỉn điều khiển xe bán tải gây tai nạn tối 14/7 ở Bình Dương
“Tại Việt Nam cũng cần đa dạng hóa hình thức xử phạt như: Buộc học và thi lại bằng lái xe; Lao động công ích; Buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù. Ngoài ra, cần lưu trữ hồ sơ vi phạm để xử phạt lũy tiến với hành vi tái phạm”, bà Huyền kiến nghị.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật, việc đa dạng hoá hình thức xử phạt của các nước là một kinh nghiệm đáng để Việt Nam học hỏi, tiếp thu và áp dụng một cách linh hoạt đối với tình hình kinh tế xã hội của nước ta.
Ngoài ra, khi áp dụng việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn cần kết hợp với việc giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về sự nguy hiểm khi “say rượu” tham gia giao thông.
Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, lưu ý không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ông chỉ đạo từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch…
Về mặt chính sách, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức, hình thức xử phạt, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn; nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định…
Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung các hình thức xử phạt hành chính như bắt buộc lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận