Hiện quy trình khám sức khỏe để cấp GPLX vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới không ít những vụ TNGT đau lòng xảy ra do tài xế là người tâm thần hoặc có tiền sử bị bệnh.
Hiện trường vụ tài xế khai bị động kinh gây tai nạn ở Hà Nội
Lần theo hồ sơ lái xe có tiền sử bệnh tâm thần
Tối 28/7, tài xế Hà Thanh Hưng (45 tuổi, trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) điều khiển ô tô BKS 30E - 455.34 đâm liên hoàn 4 ô tô khác và hàng loạt xe máy khiến một người tử vong ở Hà Đông.
Tại cơ quan công an, tài xế Hưng thừa nhận bản thân không làm chủ tốc độ và có tiền sử bị bệnh động kinh nặng, mỗi khi lên cơn gần như trí nhớ không còn. Thời điểm xảy ra tai nạn, Hưng khai không biết đã gây ra chuyện gì.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật nhận định, thực hư lời khai này đúng hay sai, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ.
Nếu lời khai là đúng, cần làm rõ nhiều vấn đề: Thời điểm Hưng bị bệnh, thời gian sát hạch và được cấp GPLX, có trách nhiệm của đơn vị đã cấp GPLX và cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế hay không?
Phụ lục số 01 Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT) quy định những trường hợp không được thi bằng lái xe ô tô gồm:Người bị rối loạn tâm thần cấp tính hoặc đã chữa khỏi nhưng chưa quá 24 tháng; người bị rối loạn tâm thần mạn tính; động kinh.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật
Còn nhớ, cuối năm ngoái, khoảng 16h30 ngày 30/12/2021, ô tô tải BKS 77C - 154.14 do Nguyễn Văn Thâu (SN 1985, trú thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển cũng bất ngờ gây tai nạn liên tiếp trên TL638 và QL19 khiến 15 người thương vong.
Quá trình điều tra, công an xác định tài xế Thâu có sổ khám bệnh tâm thần từ năm 2006. Đến nay, đều đặn mỗi tháng, Thâu đều được cấp thuốc điều trị từ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định và được cơ quan y tế địa phương theo dõi.
Theo chủ doanh nghiệp Thâu làm thuê, lái xe này mới vào thử việc tại công ty 2 tháng.
Thời điểm xin việc vào công ty, khi kiểm tra hồ sơ, tài xế này có bằng lái FC được Sở GTVT Bình Định cấp lại hồi tháng 6/2021.
Trả lời báo chí, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khẳng định, thời điểm kiểm tra sức khỏe để đổi GPLX, Thâu “hoàn toàn bình thường” và “không có dấu hiệu gì về bệnh tâm thần”.
Như vậy, nếu không phải quy trình khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe có vấn đề thì việc quản lý, liên thông dữ liệu hồ sơ giữa các cơ sở y tế hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.
Đến mức một bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần ở cơ sở y tế này, lại được khẳng định hoàn toàn khỏe mạnh khi tới khám ở một cơ sở y tế khác.
Gần đây, theo giới thiệu, PV Báo Giao thông tìm đến Phòng khám Đa khoa 5 Sao Hà Nội (tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để khám sức khỏe làm hồ sơ thi GPLX hạng B1.
Dù là phòng khám đa khoa nhưng tại đây chủ yếu hoạt động để kiểm tra sức khỏe cho người có nhu cầu làm hồ sơ thi GPLX.
Với mức thu 250.000 đồng/người/lần khám, PV được lấy mẫu nước tiểu kiểm tra có sử dụng chất kích thích hay không, đồng thời được khám tổng quát đầy đủ các bước như: Mắt, tai - mũi - họng, tim mạch, huyết áp, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết, thai sản.
Nhưng lạ thay, dù không được đo nồng độ cồn trong hơi thở và hỏi các vấn đề về tâm thần, thần kinh (ngoại trừ tại phần tiểu sử bản thân do người khám tự khai có mục “Có bệnh thần kinh hay bị thương ở đầu?” và “Bệnh tâm thần” với dạng câu hỏi “Có/Không”), PV vẫn nhận được kết quả nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 và Tâm thần, Thần kinh “Loại I” trong giấy khám sức khỏe (?!) ở mục Khám lâm sàng.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, Thông tư liên tịch số 24/2015 giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT đã quy định rõ về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, trong đó yêu cầu bác sĩ khám phải hỏi 20 câu về tiền sử, bệnh sử bệnh nhân (trong đó có bệnh tâm thần, rối loạn ý thức).
Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế thường bỏ qua phần khám này mà chỉ ở dạng người khám tự khai qua câu hỏi “Có/Không”.
Cần bộ dữ liệu liên thông các cơ sở y tế
Quy trình khám sức khỏe để cấp GPLX hiện nay còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giấy khám sức khỏe của tài xế hiện nay được yêu cầu nộp khi làm hồ sơ thi GPLX và trong lúc thi tuyển vào các doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với các đơn vị kinh doanh vận tải còn phải thực hiện kiểm tra sức khỏe lái xe định kỳ.
Với các doanh nghiệp có lượng xe lớn, sẽ chủ động mời các cơ sở y tế có chức năng kiểm tra sức khỏe lái xe về trực tiếp kiểm tra tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có 1 - 2 lái xe, thường sẽ giao cho tài xế tự liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp cho giấy chứng nhận khám sức khỏe.
“Chính điều này đã dấy lên câu hỏi liệu việc khám sức khỏe tài xế hiện nay có thực chất hay không?”, ông Quyền nói và cho biết, Hiệp hội đã 2 lần gửi văn bản đến Bộ Y tế đề nghị quy định các cơ sở được phép khám, cấp giấy chứng nhận phải tích hợp vào một cơ sở dữ liệu chung, cho phép việc xác thực chứng nhận sức khỏe do cơ quan đủ thẩm quyền cấp. Từ đó, giúp sàng lọc những lái xe không đạt yêu cầu và có chế tài xử phạt đối với những người khai báo gian dối về tiền sử bệnh.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, việc để người mắc bệnh tâm thần lái xe ra đường trách nhiệm trước hết và lớn nhất thuộc về đơn vị giám định sức khỏe của người lái trước khi họ thi lấy/cấp đổi GPLX.
Đối với các lái xe chuyên nghiệp, hàng năm các doanh nghiệp đều phải tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Do đó, việc không phát hiện ra bệnh lý tâm thần (nếu có) của người lái xe cũng phần nào đó có trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải và đơn vị thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên, bệnh lý tâm thần không phải là một căn bệnh có thể dễ dàng phát hiện qua quan sát trực quan hay các xét nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh người lái xe chủ động giấu bệnh.
“Do đó, cần xem xét tình tiết người lái xe chủ động che giấu bệnh lý là một tình tiết tăng nặng đối với các hành vi vi phạm pháp luật của họ”, TS. Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, hiện nay, theo quy định, GPLX tại Việt Nam có thời hạn khá lâu, dao động từ 5 - 10 năm, đặc biệt, đối với hạng B1 còn có giá trị đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam.
Trong khi đó, sức khỏe tâm thần của con người thay đổi rất nhanh chóng nên rất khó kiểm soát.
“Việc khám sức khỏe đối với người lái xe rõ ràng có lỗ hổng. Bên cạnh đó, bài thi lý thuyết và thực hành cần triển khai chặt chẽ, nghiêm ngặt, có thể xem xét đưa thêm các câu hỏi liên quan tới phân tích tình huống. Đây sẽ là cách để đánh trượt những thí sinh không đủ năng lực về nhận thức (bị bệnh lý tâm thần)”, TS. Hiếu kiến nghị.
Cũng theo ông Hiếu, việc khám sức khỏe để cấp GPLX tại các nước trên thế giới được tiến hành tương đối giống Việt Nam, điểm khác biệt nằm ở việc khám được tiến hành tỉ mỉ, chi tiết tại các cơ sở có uy tín cao.
Tình trạng mua giấy khám gần như không thể vì trách nhiệm của các cơ sở y tế nếu bị phát hiện rất lớn, thậm chí bị đóng cửa. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu của người khám sức khỏe được lưu trữ rất tốt và đầy đủ nên việc truy vết và tìm kiếm rất thuận lợi.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, quá trình khám sức khỏe cho khách hàng để làm hồ sơ thi GPLX, các cơ sở y tế cần thực hiện đúng quy định, đặc biệt đối với lái xe kinh doanh vận tải.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nếu phát hiện tài xế có dấu hiệu về bệnh tâm thần phải cho nghỉ việc ngay lập tức. Khi xảy ra tai nạn, không chỉ tài xế mà doanh nghiệp sử dụng lái xe cũng phải chịu trách nhiệm do bố trí người bị bệnh tâm thần lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận