Quản lý

Ngăn những cái chết đau lòng liên quan xe đưa đón học sinh, cách nào?

30/11/2021, 08:00

Trong tháng 11/2021, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn ở Sơn La và Đắk Lắk liên quan đến xe ô tô đưa đón khiến 2 học sinh tử vong thương tâm.

Câu hỏi đặt ra, phải chăng quy định đối với loại hình phương tiện này chưa đủ chặt hay trách nhiệm bị buông lỏng?

img

Hiện nay, dịch vụ xe đưa đón học sinh xuất hiện ngày càng nhiều

Nhu cầu lớn, nhiều nơi buông lỏng

Ngày 22/11, trên địa bàn Sông Mã, tỉnh Sơn La, chiếc xe đưa đón học sinh đang chạy bất ngờ bung cánh cửa khiến 4 em văng ra ngoài, một em tử vong.

Trước đó, chiều 2/11, tại Đắk Lắk, một học sinh lớp 6 cũng bị văng khỏi xe đưa đón và tử vong khi chiếc xe không đóng cửa trong quá trình lưu thông.

Dự thảo sửa đổi Luật GTĐB đã tích hợp nhiều quy định tiên tiến trong vận chuyển trẻ em như: Quy tắc giao thông, phương tiện và yêu cầu đối với người lái. Khi Luật được thông qua sẽ là nền tảng và căn cứ để cập nhật các nội dung này vào Nghị định 10 để tổ chức thực hiện.

Về lâu dài, cần rà soát điều kiện kinh doanh đối với xe đưa đón học sinh thành một loại hình với các điều kiện và quy định chặt chẽ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển.
TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia


TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế khiến các bậc phụ huynh không có nhiều thời gian đưa đón con, dịch vụ xe chở học sinh vì thế xuất hiện ngày càng nhiều, chiếm đến 10% tổng số các chuyến đi.

Theo ông Minh, ngoại trừ các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, ở một số địa phương, nhiều đơn vị vận chuyển cố tình sử dụng phương tiện cũ nát, quá niên hạn, không đảm bảo an toàn để phục vụ việc đưa đón học sinh.

Thậm chí, thuê người lái không đủ điều kiện tay nghề.

“Nghị định 10 ra đời đã nhận diện các bất cập và siết chặt các điều kiện về an toàn đối với xe hợp đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương vào cuộc quyết liệt vẫn có những nơi buông lỏng, nảy sinh hàng loạt vấn đề về mất an toàn như đã xảy ra thời gian qua”, ông Minh cho biết.

Luật sư Phạm Thành Tài, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu thực tế, tại một số địa phương, phụ huynh tự thỏa thuận với nhà xe, không có sự giám sát, quản lý của nhà trường.

Trong khi đó, vai trò quản lý của địa phương cũng bị buông lỏng.

“Quy định pháp luật hiện nay đối với xe đưa đón học sinh chưa đầy đủ, chặt chẽ. Nghị định 10 có quy định đối với xe hợp đồng chở học sinh, sinh viên nhưng cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp thông báo một lần hợp đồng vận chuyển đối với cơ quan chức năng trước khi thực hiện hợp đồng”, ông Tài nêu.

Quy trách nhiệm lái xe chưa đủ

img

Chiếc xe chở học sinh tại Đắk Lắk không đóng cửa khiến một em văng ra ngoài và tử vong chiều 2/11

Theo TS Luật học Nguyễn Tiến Chương, cố vấn cao cấp pháp luật của Quốc hội, không thể để các trường và đơn vị vận tải tự thỏa thuận thuê xe mà không quan tâm đến yếu tố người điều khiển phương tiện, trong khi việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan, phụ huynh cũng không đến nơi đến chốn.

“Lái xe quên đóng cửa xe, quên trẻ trên xe là hành vi thiếu trách nhiệm nhưng việc rơi cửa xe có vấn đề về mặt quy tắc (không đảm bảo an toàn phương tiện) thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan thế nào? Hai chủ thể của việc đưa đón học sinh là nhà trường và đơn vị vận tải đã làm tròn trách nhiệm chưa?

Trong trường hợp xe không đảm bảo yêu cầu, các cơ quan địa phương có kiểm tra, giám sát và xử lý? Lực lượng thanh kiểm tra đã kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc nhắc nhở lái xe hay không?”, ông Chương nói.

Cần siết lại kỷ cương loại hình kinh doanh xe đưa đón học sinh theo hướng quản lý chặt về phương tiện và các đơn vị đăng kiểm xe.

Bên cạnh đó là các điều kiện kinh doanh như giám sát hành trình, lái xe được tập huấn nghiệp vụ vận tải, nghiệp vụ an toàn. Các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải mà Việt Nam đã ban hành hiện chưa được thực hiện nghiêm.

Trước mắt, cần tổ chức thực thi nghiêm các quy định hiện hành trước khi đề ra các yêu cầu quản lý ở mức cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN


TS. Trần Hữu Minh cho rằng, sau từng vụ việc cụ thể, nếu chỉ tiếp cận ở góc độ trách nhiệm người lái xe sẽ không giải quyết được vấn đề triệt để.

Có hàng loạt các yếu tố phía sau tạo nên hành vi của lái xe như trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý tại địa phương và các cơ quan liên quan chưa được quy định cụ thể.

“Nếu chỉ xử lý lái xe sẽ không toàn diện, không giải quyết được vấn đề. Cần hoàn thiện quy trình, quy định để xử lý các cơ quan tổ chức có liên quan.

Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định hướng dẫn và giám sát quá trình thực thi. Nếu việc thực thi kém chứng tỏ quy định pháp luật chưa đầy đủ để giám sát, đôn đốc và cần tiếp tục hoàn thiện”, ông Minh nói và cho rằng, việc xác định trách nhiệm cơ quan chức năng tại địa phương là vấn đề mấu chốt trong thời gian tới.

Luật sư Phạm Thành Tài cho rằng: “Cần coi xe đưa đón học sinh là loại hình kinh doanh vận tải hành khách đặc biệt và có quy định riêng theo hướng chặt chẽ về điều kiện hạ tầng, phương tiện, người lái.

Cần có nguyên tắc riêng trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định thanh, kiểm tra định kỳ điều kiện của đơn vị vận chuyển và quy định trách nhiệm pháp lý của nhà trường”.

Dẫn kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển, xe vận chuyển học sinh có tiêu chuẩn an toàn cao nhất, TS. Trần Hữu Minh cho biết, xe chở học sinh được thiết kế màu sắc đặc biệt để tăng khả năng nhận diện, có nhiều thiết bị cảnh báo đầy đủ.

Đặc biệt tính năng an toàn như trọng lượng, thiết kế được tính toán làm sao giảm thiểu tối đa va chạm.

Tại Việt Nam, việc sửa đổi Tiêu chuẩn đối với xe đưa đón học sinh là hướng quan trọng. Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định chặt chẽ hơn, hoàn thiện các quy định pháp luật, quy tắc giao thông đối với các xe khác và xe chở học sinh.

Đặc biệt, việc tuyển chọn, sát hạch người lái và người trực tiếp tiếp xúc với học sinh cần theo quy trình, tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Ngoài ra, cần xem xét sửa đổi quy định pháp luật để khi có vi phạm thì tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể đóng cửa, cấm hành nghề một thời gian hoặc vĩnh viễn tổ chức, cá nhân liên quan.

“Nhiều quốc gia kiểm tra lịch sử lái xe rất chi tiết như: Tập huấn cho nhân viên các quy trình, trong đó có các kỹ năng nhận diện rủi ro có thể gặp phải và các giải pháp, trình tự giảm thiểu rủi ro.

Đồng thời, hoàn thiện về hạ tầng cho xe đưa đón học sinh, điểm đón trả, quy định đối với người điều khiển giao thông”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.