Y tế

Ngân sách đã cấp bao tiền cho nghiên cứu kit test Covid-19 Việt Á?

26/12/2021, 17:43

Cổng thông tin Bộ KH&CN đã thông tin chi tiết về nghiên cứu khoa học “kit test Covid-19 Việt Á” với tổng kinh phí gần 19 tỷ.

Theo thông tin từ Bộ Khoa học & Công nghệ (Bộ KH&CN), tổng kinh phí chi từ ngân sách cho "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)" là 18,98 tỉ đồng. Đây là bộ sinh phẩm có liên quan đến vụ việc "thổi giá kit test" của Công ty Việt Á đang được cơ quan công an điều tra.

img

Bộ kit test Việt Á là sản phẩm do Học viện Quân y nghiên cứu

Thời gian thực hiện nghiên cứu theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021.

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ này là Học viện Quân y do PGS.TS. Hồ Anh Sơn làm Chủ nhiệm công trình và 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Trong đó, có Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, người vừa bị khởi tố hình sự về hành vi vi phạm các quy định đấu thầu.

Theo báo cáo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu về bộ sinh phẩm đối với hiệu quả xã hội, sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm đã được tối ưu hóa các thành phần, đóng gói thành kit test dưới dạng "super mix" sẵn sàng sử dụng, thuận tiện cho các cơ sở chẩn đoán là các trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có trang bị chẩn đoán phân tử có thể tiến hành đơn giản theo hướng dẫn sử dụng của bộ kit.

Đồng thời, bộ sinh phẩm tạo ra đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xảy ra và đạt đỉnh dịch với số lượng người nhiễm lớn trên phạm vi cả nước.

img

Thông tin chi tiết về nghiên cứu "test kit Việt Á"

Báo cáo cũng khẳng định các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu về sau như các dữ liệu đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2 phục vụ cho các nghiên cứu về chế tạo vaccine dự phòng và thuốc kháng virus đối với chủng SARS-CoV-2.

Theo kế hoạch, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ nói trên trong tháng 12/2021.

Trước đó, trả lời báo VnExpress, PGS.TS Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này, khẳng định sai phạm của Công ty Việt Á không liên quan đến nghiên cứu kit test.

Lý giải về sự tham gia của Việt Á vào nhiệm vụ nghiên cứu, vị này cho biết, thông thường, nhiệm vụ khoa học sẽ được tách làm hai giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, sau khi nghiệm thu sẽ triển khai sản xuất thử nghiệm. Giai đoạn I, các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô ở phòng thí nghiệm. Giai đoạn II do doanh nghiệp chủ trì.

Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Bởi chuyển giao từ quy mô phòng thí nghiệm sang sản xuất mở rộng cần được nghiên cứu, tối ưu tiếp tại cơ sở sản xuất.

Đây cũng là đơn vị được Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đề xuất lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Tại thời điểm đó, Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất test kit. Họ đã có một số bộ test kit được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trước đó. Cơ sở sản xuất của họ đạt chứng chỉ ISO 13485/2016.

Sau khi bàn giao cho doanh nghiệp, Học viện Quân y vẫn tiếp tục tự đánh giá với các mẫu bệnh phẩm lấy tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Đà Nẵng và Bắc Giang. Kết quả cho thấy sản phẩm đạt độ chính xác 100%, phát hiện được cả biến thể Delta của nCoV (kết quả này đã được đăng trên Tạp chí Truyền nhiễm và gửi Tạp chí Journal of Clinical Laboratory Analysis).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.