Cùng với việc xử lý nghiêm vi phạm của CSGT, các doanh nghiệp vận tải cũng tăng cường đào tạo, tập huấn để giảm thiểu các vụ TNGT có thể xảy ra.
Tai nạn thường xảy ra ban đêm
Khoảng 0h ngày 19/9 tại Km 191+500 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra vụ tai nạn giữa 2 xe khách. Vào thời điểm trên, xe giường nằm hãng Hồng Sơn (Phú Yên) hỏng động cơ đang đậu một bên đường.
Lúc đó, chiếc xe giường nằm khác chạy cùng chiều từ phía sau đã tông vào đuôi xe Hồng Sơn. Hậu quả khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.
Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc TP.HCM – Nha Trang. Ảnh: Vĩnh Phú.
Khuya 8/9, xe tải BKS 49C-215.77 lưu thông hướng Bắc - Nam, do tài xế K.Đ (23 tuổi) điều khiển. Khi đến Km 219+500 qua xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) tông vào đuôi xe tải BKS 77C-016.21 chạy cùng chiều. Cú va chạm mạnh khiến phụ xe tải BKS 49C-215.77 không qua khỏi.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc TP.HCM - Nha Trang thời gian qua. Tính trong 8 tháng đầu năm 2024, có 35 vụ tai nạn đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của 16 người trên tuyến đường huyết mạch này.
Trong đó, đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo tốc độ cho phép 90km/h, thường xảy ra TNGT nghiêm trọng vào ban đêm. Nguyên nhân được xác định đa phần do lỗi chủ quan của tài xế xe khách như: Phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ không đúng quy định, không có cảnh báo bên đường.
Cụ thể như hai vụ tai nạn nghiêm trọng trên, theo phân tích của Cục Quản lý đường bộ 4 và Ban ATGT địa phương, vị trí xảy ra tai nạn là đường thẳng, mặt đường êm thuận, đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, lúc xảy ra tai nạn, trời không mưa.
Nhiều hành vi dễ gây tai nạn
Trung tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 6, Cục CSGT (C08), Bộ Công an cho biết, có khoảng 40% tổng số xe tham gia giao thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là xe phương tiện kinh doanh vận tải.
Cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nếu lái xe mất tập trung. Ảnh: Vĩnh Phú.
"Mặc dù đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra. Các lỗi vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn, ma túy, quá tải, quá khổ, cơi nới thành thùng xe, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, dừng đỗ sai quy định", trung tá Ân cho biết.
Trong khi đó, trung tá Hoàng Sơn Ca, Phó trưởng phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ - đường sắt (Cục CSGT) nhận định, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành tốt, vẫn còn một số doanh nghiệp và lái xe chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, nhiều trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử lý.
Doanh nghiệp vào cuộc, CSGT xử nghiêm
Là doanh nghiệp chuyên chạy tuyến TP.HCM - Cẩm Mỹ, Đồng Nai, ông Trịnh Xuân Khoa, Giám đốc nhà xe Hải Nam cho biết, để hạn chế tai nạn khi xe lưu thông trên cao tốc, trước mỗi giờ xe xuất bến, tài xế đều được kiểm tra kỹ về hồ sơ, hợp đồng hành khách, hạn đăng kiểm, bằng lái. Đội ngũ lái xe được yêu cầu tuyệt đối tuân thủ pháp luật, không vì áp lực kinh doanh mà vi phạm giao thông.
Trong khi đó, ông Đặng Thanh Măng, Phó tổng giám đốc khối vận tải FUTA Bus Lines, Công ty CP xe khách Phương Trang cho biết, đơn vị sẽ đưa những hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên cao tốc vào chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, lái xe nhằm đảm bảo an toàn.
Thường xử lý các hồ sơ liên quan đến tai nạn giao thông, ông Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Ban bảo hiểm xe cơ giới AAA cho rằng, khi đi cao tốc, tài xế phải đặc biệt chú ý đến khoảng cách an toàn giữa các xe.
"Trên đường đã có các biển báo khoảng cách 50m, 100m, 150m, tài xế phải tuân thủ. Kinh nghiệm là cứ chia đôi, tốc độ 100km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu tầm 50m; tốc độ 120km/h, khoảng cách tối thiểu 60m. Đây là những kinh nghiệm mà tài xế cần nắm", ông Minh chia sẻ.
Trung tá Hoàng Xuân Ân cho biết, trước diễn biến phức tạp của tai nạn liên quan đến xe kinh doanh vận tải, đơn vị đã mời 100 doanh nghiệp đến để tổ chức tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Nha Trang. Cùng đó, đơn vị sẽ xử lý quyết liệt đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Hàng nghìn trường hợp vi phạm bị xử lý
Tuyến cao tốc TP.HCM - Nha Trang gồm các đoạn thành phần: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 56km, Dầu Giây - Phan Thiết 99km, Phan Thiết - Vĩnh Hảo 101km, Vĩnh Hảo - Cam Lâm 78,5km và Cam Lâm - Nha Trang 49km.
Trong 8 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã kiểm soát trên 50.000 phương tiện, lập biên bản xử lý 8.700 trường hợp vi phạm, phạt trên 39 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe trên 5.000 trường hợp, tạm giữ trên 700 phương tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận