Tuy nhiên, thời gian qua nhiều người manh động, sẵn sàng lao vào tấn công lực lượng CSGT trên đường.
Người vi phạm ngày càng manh động
Cần phải xử lý nghiêm hành vi tấn công lực lượng CSGT để tạo tính răn đe
Công an quận Bình Tân (TP.HCM) hiện đang tạm giữ Đỗ Thành Công (24 tuổi, quê Ninh Bình) và Nguyễn Chí Bảo (22 tuổi, quê Bạc Liêu) để làm rõ về hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, ngày 10/12, Tổ công tác Công an quận Bình Tân đang thực hiện nhiệm vụ trước số 2-2A đường Lê Văn Quới, phát hiện Công chạy xe máy chở Bảo không đội mũ bảo hiểm nên dừng phương tiện kiểm tra. Tuy nhiên, Bảo ngồi phía sau bước xuống xe, cởi áo, đe dọa, chửi bới tạo áp lực nhằm đòi lại chìa khóa xe. Công xuống xe dùng tay đánh liên tiếp 2 cán bộ, chiến sĩ CSGT.
Tại trụ sở công an, qua kiểm tra, Công dương tính với ma túy. Công và Bảo khai, thời điểm trên, cả hai trên đường đi nhậu về, “do đã say nên không kiểm soát được bản thân”.
Trước đó, ngày 14/6, TAND TP.HCM tuyên y án sơ thẩm 10 tháng tù đối với bị cáo Huỳnh Văn Vương (SN 1986, ngụ Bình Định) về tội “chống người thi hành công vụ”. Bị cáo Vương đã có hành vi điều khiển xe vượt đèn đỏ và vật ngã CSGT, không cho mang xe về trụ sở.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2022, toàn quốc xảy ra hơn 30 vụ chống đối lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ, làm 7 cán bộ chiến sĩ bị thương. Trong đó, cảnh sát đã phối hợp bắt giữ, xử lý 36 đối tượng.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây xảy ra một số vụ lái xe dương tính với ma túy, khi bị kiểm tra đã chống đối quyết liệt, bỏ chạy trên đoạn đường dài, chèn ép xe cảnh sát, gây tai nạn rồi bỏ chạy.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, nhất là với CSGT ngày càng manh động hơn. Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ để được bỏ qua, nếu không được sẽ quay ra khiêu khích, sau đó mới đến chống đối, nhưng hiện nay người vi phạm tấn công thẳng lực lượng CSGT.
“Người vi phạm giao thông luôn coi việc bị xử phạt là sự mất mát, bức xúc mà không nghĩ rằng lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh”, Đại úy Chinh chia sẻ.
“Vũ khí” mạnh nhất là pháp luật
Là người có nhiều năm kinh nghiệm, Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, tiếp xúc với người vi phạm, lực lượng CSGT cũng cần có sự thân thiện nhưng phải kiên quyết và dứt khoát, để người vi phạm biết việc CSGT dừng xe, kiểm tra vi phạm là phải chấp hành, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
“Sự thân thiện, văn minh tạo ấn tượng ban đầu về cách làm việc của người thực thi công vụ, góp phần giảm đi những bức xúc của người vi phạm. Tuy nhiên, cương quyết không bỏ những lỗi vi phạm, nhất là những lỗi vi phạm về nồng độ cồn, không có GPLX, chạy quá tốc độ…”, ông Chinh nêu quan điểm.
Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, cần giải quyết từ cả hai phía người dân và CSGT. Trong đó, người dân cần được tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật để hiểu biết, nâng cao ý thức, không vi phạm pháp luật.
Với lực lượng CSGT, “vũ khí” mạnh nhất để trấn áp tội phạm chống người thi hành công vụ chính là luật pháp. CSGT phải hiểu và phải thực hiện hết quyền hạn của mình mà pháp luật cho phép.
“Bởi khi đã hiểu sẽ ngay lập tức nhận diện được hành vi đó đã cấu thành tội gì, để kịp thời có biện pháp trấn áp tương ứng với tính chất, mức độ sai phạm. Tuyệt đối không được đứng im hoặc xử lý lóng ngóng, không dứt khoát…”, ông Hiếu giải thích.
Ông Hiếu cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm theo quy định Luật An ninh mạng và các văn bản luật liên quan đối với những người có hành vi ghi hình hoạt động của CSGT, đăng tải lên mạng xã hội với mục đích khiêu khích, cố tình cản trở hoạt động của lực lượng chức năng.
“Rất nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để cản trở, nhằm mục đích khiêu khích, giễu cợt, làm xấu hình ảnh lực lượng CAND, cổ vũ cho thái độ bất tuân pháp luật, kích động sự chống đối cơ quan thực thi pháp luật”, ông Hiếu nói.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT thì cho rằng, trong khi làm nhiệm vụ CSGT nên hạn chế việc lao ra đường quyết liệt chặn bắt các đối tượng vi phạm, vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro; trừ các hành vi cực kỳ nghiêm trọng như lái xe lạng lách đánh võng và đua xe. Trong hoàn cảnh này cũng nên chuẩn bị chu đáo với phương án chặn bắt đã được lên kịch bản, đủ lực lượng để đảm bảo hiệu quả, an toàn.
“Đối với các hành vi vi phạm khác nên có giải pháp phạt nguội và tăng nặng, nhất là liên quan tới việc đăng ký phương tiện sau này và tước bằng lái để tạo tính răn đe”, ông Hiếu đề xuất.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, ngoài việc xử lý trực tiếp trên đường, lực lượng chức năng phải truy đến cùng các vụ vi phạm để “phạt nguội”. Hiện nay, việc “phạt nguội” mới dừng ở mức độ thông báo.
Đặc biệt, theo luật sư Bình, cần tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ. Theo quy định hiện tại, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, dùng thủ đoạn để cản trở người thi hành công vụ bị cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Các trường hợp chống người thi hành công vụ có tổ chức; phạm tội từ 2 lần trở lên… bị phạt tù từ 2 - 7 năm… Việc xử lý như vậy là chưa đủ răn đe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận