Ngang nhiên thu tiền
Trưa 14/9, tại đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1), ô tô đậu một dãy trước nhà hàng Riêu cá chép. Lúc này 2 nhân viên giữ xe liên tục xé vé thu tiền từ 30.000 - 40.000 đồng/xe và sắp xếp các xe ra vào làm náo động cả một góc phố. Hỏi một nhân viên tiếp tân của nhà hàng vì sao thu phí và xe đậu dưới đường có an toàn không, nhân viên này trả lời: “Giữ xe thuộc về bên khác quản lý, nếu xảy ra vấn đề gì họ chịu trách nhiệm chứ nhà hàng không liên quan”.
Tương tự, tại đường Sư Thiện Chiếu (quận 3), một số nhà hàng cá kèo nằm trên đường này cũng rất đông ô tô đậu vào ăn. PV ghi nhận mỗi ô tô đến quán phải trả trước 50.000 đồng cho người đứng trước quán giữ xe mà không có vé. Người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, mỗi ngày có khoảng vài chục xe ô tô ghé quán, số tiền thu được không hề nhỏ và không biết rơi vào túi ai? PV cũng liên hệ chính quyền địa phương 2 nơi trên nhưng chưa có thông tin hồi âm.
Đường Mạc Thiên Tích, phường 11, quận 5, sau bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM dài khoảng 1km có treo băng rôn lớn: “Tuyến đường này có gắn biển báo cấm đỗ xe theo giờ và UBND phường không tổ chức thu phí ô tô tại đoạn đường này”. Tuy nhiên, lúc 11h ngày 14/9, PV ghi nhận chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ có khoảng 20 xe ô tô nối đuôi nhau đậu. Khi xe vừa trờ tới, một thanh niên chừng 20 tuổi, xăm trổ đầy mình lao ra chỉ chỏ sắp chỗ cho xe đậu và thu tiền.
Anh Tuấn, tài xế xe Innova 7 chỗ (đưa người nhà) vào khám bệnh, bức xúc: “Mỗi lần ra vào chỗ này mất 40.000 đồng. Mình hỏi người thu tiền có biên lai không nhưng họ nói không có. Trả cho xong chuyện chứ dây dưa với họ lại phiền”.
Nhiều người dân sống trên tuyến đường Mạc Thiên Tích cho biết, cách đây vài tháng chính quyền cũng ra quân dẹp tình trạng thu phí, phạt những xe đậu đỗ sai quy định, thậm chí còn dùng xích khóa những xe đậu trên đường này để xử phạt, nhưng chỉ được một thời gian, nay lại tiếp diễn. Xe vẫn đậu và vẫn có người đến thu phí 24/24h. Mỗi ngày có không dưới 40 xe ô tô đậu, mỗi xe từ 30.000 - 50.000 đồng, mỗi tháng những người này kiếm được từ 50 - 60 triệu đồng.
Một ngày sau, PV tiếp tục trở lại tuyến đường này và vẫn gặp hai thanh niên xăm trổ đứng thu phí ô tô. Phát hiện PV ghi hình, hai thanh niên này lập tức bỏ qua, không thu tiền của bất kỳ một xe nào.
Chính quyền cũng bó tay!
Chỉ cho phép thu phí ô tô trên 22 tuyến đường
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ cho phép thu phí ô tô trên 22 tuyến đường. Ngoài những tuyến đường này, ai tự đứng ra thu phí đều vi phạm pháp luật.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, hành vi thu phí ô tô trái phép thanh tra không có chức năng để xử phạt. Việc chấn chỉnh tình trạng này là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Để làm rõ vì sao đường Mạc Thiên Tích bị thu phí trái phép lộ liễu như trên, chúng tôi đến UBND phường 11, quận 5 gặp ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND và được ông này khẳng định: “Tuyến đường này có gắn biển báo cấm đỗ xe theo giờ và UBND phường không tổ chức việc thu phí ô tô tại đoạn đường này”.
Theo ông Minh, để đảm bảo trật tự, phường 11 thường xuyên chỉ đạo Đội Quản lý trật tự đô thị ra quân tại khu vực này và treo băng rôn “Khu vực không tổ chức trông giữ xe, việc dừng đỗ xe phải tuân theo biển báo giao thông” nhằm thông tin cho tài xế biết để không bị các đối tượng gây áp lực thu tiền, đồng thời lưu ý việc cấm đỗ xe. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, không thường xuyên túc trực tại khu vực trên nên vẫn có tình trạng tài xế dừng đỗ xe và “thỏa thuận riêng” với một vài đối tượng.
Cũng theo ông Minh, qua hệ thống camera giám sát và thực tế kiểm tra UBND phường đã phát hiện 4 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng được công an phường 11 mời lên răn đe. Hai đối tượng còn lại bỏ trốn do không cư ngụ tại địa phương.
Liên quan đến trường hợp của ông Q. và ông V. thản nhiên thu phí trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường 5, quận 5, một lãnh đạo phụ trách đô thị của UBND phường 5 cho biết: “Ông Q. là người của nhà hàng và phường sẽ làm việc lại nhà hàng về việc này. Còn ông V. là dân địa phương, từng có tiền án tiền sự, thường xuyên chống đối lực lượng chức năng. Ông V. thường giả như người chạy xe ôm tại khu vực trên. Khi lực lượng chức năng đến làm việc, ông V. tránh mặt một thời gian sau đó lại trở về địa bàn. Cách đây 2 tháng phường đã gọi ông V. lên làm bản cam kết không tái phạm hành vi thu phí trái phép. Hôm nay chị phản ánh chúng tôi mới biết ông V. trở lại thu tiền. Chúng tôi sẽ báo cáo việc này với lãnh đạo quận, đồng thời phối hợp với công an quận để xử lý”, vị này nói.
PV hỏi phường đã xử phạt ông V. lần nào chưa, vị này cho biết, chưa bắt được quả tang hành vi thu tiền nên chỉ xử phạt từ 150.000 - 200.000 đồng về lỗi vi phạm để xe quá vạch cho phép...
Dân sợ phiền không dám phản ứng
Trước nhà hàng tiệc cưới Yau Hau Fook (Trần Hưng Đạo, phường 6, quận 5) xuất hiện 2 người đàn ông lớn tuổi thường xuyên thu phí ô tô đậu đỗ. Một người tên Q., dáng người to béo thường xuyên mặc áo đỏ với dòng chữ “nhân viên giữ xe” và một người tên V. Quan sát của PV, hai người đàn ông này thay ca nhau thu phí. Khi có chiếc xe nào tới, ông Q. bước đến hỏi: “Vào nhà hàng ăn à? Cho thu tiền trước 50.000 đồng”. PV trả giá và hỏi có vé xe không thì ông Q. giọng nhát gừng: “Tôi thu cho công ty chứ không phải cho tôi, giá ở đây từ trước giờ là vậy, không phải vé viếc gì cả…”.
Khi PV thắc mắc đây là tuyến đường cho đậu xe miễn phí theo ngày chẵn - lẻ sao vẫn thu phí của khách, nhân viên nhà hàng này nói: “Nhà hàng không thu phí giữ xe của khách hàng mà do nhân viên của công ty thầu trên tuyến đường này thu…”. PV hỏi công ty này ở đâu, nhân viên này ú ớ không trả lời…
Ông Trần Văn Ân, cán bộ hưu trí sống ở khu vực này cho biết, thường xuyên thấy có những người lạ tới thu tiền đỗ xe ô tô, có trường hợp khách không đưa thì họ văng tục, chửi bậy. Việc tự ý đứng ra thu tiền đậu xe trái phép nhiều năm nay nhưng đa số người đậu xe đều trả tiền theo yêu cầu của các đối tượng vì không muốn bị rắc rối. Nhiều người dân sợ phiền phức nên không dám phản ứng hoặc báo chính quyền nên các đối tượng này mới lộng hành…
Theo luật sư Lê Văn Phiến, Đoàn luật sư TP.HCM, việc xử phạt những trường hợp như của ông Q., ông V. hiện chưa được quy định cụ thể trong luật. Chỉ khi có hành vi vi phạm cụ thể như: Ép buộc hoặc hăm dọa người đi đường phải trả tiền thì cơ quan chức năng mới xử phạt lỗi gây rối trật tự công cộng. Muốn xử phạt theo Điều 12 Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định đối với cá nhân có hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị, cơ quan chức năng phải có chứng cứ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận