Dù Covid-19 vẫn đảm bảo quyền lợi BHYT
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), năm 2019, BHXH các tỉnh, thành phố cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến hết tháng 9/2020, số người tham gia BHYT trên cả nước là 86,73 triệu, đạt tỷ lệ khoảng 89,6% dân số tham gia BHYT; tăng 1,57 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Đạt 98,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao là 1,33 triệu người.
Năm 2020 có những biện động lớn về tình hình kinh tế- xã hội do dịch bệnh Covid-19, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu BHYT. Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia với bộ, ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT trong chuyển tuyến KCB, cấp thuốc điều trị ngoại trú trong điều kiện thực hiện hiện giãn cách, cách ly xã hội hay thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHYT.
Việc KCB BHYT cho người tham gia BHYT vẫn được đảm bảo và không bị ảnh hưởng nhiều, số chi KCB BHYT so với năm trước có giảm nhưng nhìn chung không bị giảm nhiều. 9 tháng đầu năm 2020, tại 63 tỉnh, thành phố, số chi và số lượt KCB BHYT toàn quốc đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng chi KCB BHYT theo loại hình gần như không đổi trong 9 tháng đầu năm 2020 so với 9 tháng đầu năm 2019.
Trên toàn quốc, số lượt và số tiền BHYT thanh toán được các cơ sở đề nghị quyết toán đối với loại hình KCB ngoại trú đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó giảm nhiều nhất ở Đà Nẵng, Bình Dương, Tây Ninh (khoảng 20%). Tuy nhiên, thực tế số liệu ghi nhận tại một số tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, số lượt và số chi BHYT thanh toán ngoại trú vẫn tăng cao hơn cùng kỳ và bình quân chung toàn quốc…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách BHYT, Ban Thực hiện chính sách BHYT đề nghị BHXH các địa phương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, đặc biệt là công tác quản lý sử dụng Quỹ KCB BHYT. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc kiểm tra, giám sát và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở KCB BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT cũng như các trường hợp người bệnh BHYT không được đảm bảo quyền lợi tối đa…
Sử dụng hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh BHYT
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định, tuy còn nhiều khó khăn nhưng Ngành BHXH quyết tâm đạt được tỷ lệ 90,7% người dân tham gia BHYT. Theo đó, BHXH các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giúp cho người dân hiểu rõ hơn nữa về ý nghĩa của chính sách BHYT; Đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng hiệu quả CNTT, tạo thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nâng cao chất lượng KCB BHYT tại các cơ sở y tế từ đó thu hút và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Lưu ý về một số đổi mới trong công tác thực hiện chính sách BHYT từ năm 2021, trong đó việc thay đổi phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, thông tuyến KCB BHYT, vận hành các cơ sở KCB từ xa… sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ giám định BHYT. Chính vì vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các địa phương cần chủ động lên phương án xây dựng hệ thống chuyển tuyến hiệu quả, cập nhật quy trình KCB mới phù hợp với các yêu cầu, quy định hiện nay về kết nối liên thông dữ liệu BHYT…
Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT, BHXH các địa phương cũng cần phải tăng cường quản lý Quỹ KCB BHYT bằng nhiều giải pháp. Trong đó, cần kiểm soát nguồn dự toán chi của từng địa phương và đặc biệt cần ngăn chặn tình trạng trục lợi, lãng phí nguồn Quỹ KCB BHYT tại các cơ sở y tế...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận