Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Ngành GTVT Đà Nẵng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Ngược dòng trang sử vẻ vang…
Ngày 26/5, ngành GTVT Đà Nẵng phối hợp với Ban liên lạc cán bộ Chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà đã long trọng tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm (5/1965- 5/2015) và vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được trao cho Ban Giao vận Quảng Đà (nay là Sở GTVT TP Đà Nẵng). Đó là phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng cho ngành GTVT Đà Nẵng, ghi nhận những thành tích, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ ban Giao vận Quảng Đà trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
700 cán bộ Ban Giao vận Quảng Đà đã về dự buổi gặp mặt. 50 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT Đà Nẵng đã trải qua những chặng đường đầy khó khăn, thử thách, nhiều hy sinh, mất mát nhưng cũng rất đỗi vinh quang, tự hào mà nhiều thế hệ của ngành đã đi trước mở đường, cho sự phát triển của Đà Nẵng ngày hôm nay.
Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, nguyên Giám đốc Sở GTVT, Trưởng Ban liên lạc Ban Giao vận Quảng Đà, kể từ khi thành lập Ban Giao vận Quảng Đà (giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) đến ngày 29/3/1975; dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, trong điều kiện “đói cơm, nhạt muối”, với truyền thống “chân đồng, vai sắt” không quản ngại hy sinh gian khổ; cán bộ chiến sỹ Ban Giao vận Quảng Đà đã viết lên những trang sử hào hùng của ngành. “Đã tích cực xây dựng, tổ chức các hoạt động GTVT phục vụ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đã vận chuyển hàng nghìn viên đá quý, gỗ quý ra bắc để cùng cả nước xây dựng Lăng Bác Hồ; đã mở đường, tổ chức vận chuyển kịp thời vũ khí, lương thực, thương bệnh binh phục vụ chiến đấu. Đặc biệt lực lượng Giao vận Quảng Đà đã phục vụ đắc lực cho chiến dịch Thượng Đức (8/1974) giành thắng lợi, mở ra thời cơ lớn, là cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược “Giải phóng miền Nam” ”.
Trưởng Ban liên lạc Ban Giao vận Quảng Đà, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng nam- Đà Nẵng Nguyễn Đăng Lâm: "Ngành GTVT đã hy sinh nhiều xương máu để đổi lấy hòa bình ngày hôm nay". |
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Giao vận Quảng Đà có trên 700 liệt sĩ và trên 1.500 thương binh. Ngành đã được Nhà nước tặng thưởng 10 Huân chương Giải phóng các hạng, 2 Huân chương Quyết thắng, 2 Huân chương Chiến công và trên 500 Huân, huy chương kháng chiến các hạng tặng cho tập thể và cá nhân tham gia chống Mỹ cứu nước của ngành.
Trong hồi ức của các cán bộ chiễn sỹ Ban Giao vận Quảng Đà năm xưa, sau năm 1975, tiếp quản một hệ thống giao thông không đồng bộ, giao thông nông thôn - miền núi vừa thiếu, vừa yếu, giao thông vùng kháng chiến và vùng tranh chấp bị tàn phá nặng nề; nhiệm vụ quan trong của ngành lúc bấy giờ là khôi phục hệ thống giao thông và tổ chức vận tải, phục vụ việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế.
Trong 3 năm từ 1977- 1979, ngành đã cơ bản khôi phục xong hệ thống giao thông. Hàng trăm km đường được rà phá bom mìn, sửa chữa đưa vào sử dụng và mở rộng. Đã tổ chức đưa tất cả các phương tiện hiện có trên địa bàn vào hoạt động để nâng cao năng lực vận chuyển hành khách, hàng hóa. Ngoài các đơn vị trực thuộc Sở, ngành đã thành lập và vận động thành lập 1 số đơn vị liên doanh, hợp tác xã, đóng vai trò chủ lực trong hoạt động vận tải và sửa chữa ô tô - tàu thuyền.
Từ năm 1979 đến năm 1985, hoạt động GTVT đi vào nề nếp theo cơ chế bao cấp, công tác cải tạo tư bản tư doanh cơ bản hoàn thành; ngành còn tổ chức hàng trăm chuyến xe chuyển quân, phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam, Campuchia, biên giới phía Bắc, phục vụ Trường Sa; xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, xây dựng các cầu giúp nước bạn Lào, đóng tàu vận tải, viễn dương…. Giai đoạn này, đã chủ động triển khai nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như các giải pháp thay đổi công nghệ chuyển xe chạy bằng xăng sang chạy bằng hơi gas từ đốt than, chuyển đổi thắng dầu qua thắng hơi… vừa giải quyết thiếu thốn về vật tư, nhiên liệu, vừa đáp ứng yêu cầu vận tải.
Từ năm 1986 đến năm 1996, ngành GTVT Quảng Nam - Đà Nẵng nhanh chóng bắt nhịp quá trình “đổi mới” đang diễn ra ngày một quyết liệt hơn và thực hiện nhiều chủ trương phát huy nội lực. Đến cuối năm 1996, hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh cơ bản đã được liên thông, các tuyến đường đều được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, 1 số tuyến được nâng cấp mở mới; 360/941 km đường sông được nạo vét khơi thông. Phương tiện vận tải tăng nhanh và sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng có nhiều tiến bộ.
... Hôm nay thênh thang cầu, đường lớn
Ngày 1/1/1977, Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, đã mở ra thời cơ, vận hội mới để Đà Nẵng vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới. Bước đột phá đầu tiên của TP là xây dựng cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông phải đi trước 1 bước.
Ông Đặng Việt Dũng - Ủy viên ban Thường vụ TP Đà Nẵng, Bí thư quận Hải Châu, nguyên là Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng (2004- 2014) cho hay, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của Ban Giao vận Quảng Đà, CBCNV-LĐ ngành GTVT Đà Nẵng hôm nay đã vững vàng nối bước các thế hệ đi trước, viết tiếp những trang sử mới đầy cảm hứng trong lịch sử của ngành.
“Đó là những kết quả ấn tượng trong quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại đã mở đường cho sự phát triển của TP với 1 diện mạo đô thị hiện đại ngày càng rõ nét hơn”.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung khẳng định, “Nếu như năm 1977, chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn chỉ có 420 km, phần lớn là chất lượng kém do nhiều năm không được trung đại tu, thậm chí trên 20% đường đô thị là đường đất, đường tỉnh chỉ khai thác mùa khô và chỉ có 9/96 km rải nhựa và có 2 cây cầu với tổng chiều dài 569m; thì đến năm 2015, chiều dài mạng lưới đường bộ là hơn 1.200km với 25 cây cầu tổng chiều dài 4000m”.
Cùng với sự phát triển mạng lưới đường bộ, không gian đô thị đã mở rộng về Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây Bắc TP. Nhiều công trình cầu thiết kế hiện đại, được xây dựng theo công nghệ tiên tiến vừa thuận lợi cho việc đi lại vừa tạo điểm nhấn cho du lịch.
Thay mặt lãnh đạo Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ngành GTVT Đà Nẵng trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Phó chủ tịch Đà Nẵng đặt ra nhiệm vụ tiếp theo cho ngành GTVT, chủ động phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan của Bộ, các doanh nghiệp liên quan sớm triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình giao thông; chủ động thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT thành phố; triển khai tích cực các Đề án tổng thể tái cơ cấu thành phố, Đề án Phát triển dịch vụ thành phố; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể Cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics. Đồng thời, tích cực triển khai "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015" gắn với việc xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông và văn minh trong cung cấp dịch vụ, vận tải và hạ tầng giao thông, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận