Dọn dẹp cây đổ tại Ninh Bình (chụp ngày 28/7) - Ảnh: Phúc Tuấn |
Khi đổ bộ vào đất liền, cơn bão số 1 với gió mạnh và mưa lớn dù đã được dự báo từ trước, nhưng vẫn gây ra những thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh Bắc bộ. Hiện, công tác khắc phục hậu quả cơn bão này đang được tích cực triển khai.
Nước mắt người dân nơi tâm bão
Suốt đêm không ngủ vì mái nhà bị tốc, cả ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Hà (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn không một phút nghỉ ngơi vì còn phải lợp lại mái nhà, dọn cây mít đổ la liệt trong sân, vườn nhà. Ông Hà buồn rầu cho biết, một phần mái chuồng lợn bị sập, đè chết ba con lợn mới sinh. “Tôi còn chưa kịp ra ruộng, nghe hàng xóm nói ngập hết rồi. Biết bão về, đã chằng chống cẩn thận mà không ngờ gió to quá mức, năm nay lại đói mất thôi”, ông Hà than.
Ở xóm 9, Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định, ông Nguyễn Văn Bách cũng mướt mồ hôi cả ngày để lợp lại mái phi-prô xi măng bị vỡ vụn sau bão. “Thấy báo bão cấp 7-8, ai ngờ khoảng 3h sáng, gió rít mạnh đến nỗi tôi cứ nghĩ cả cái nhà cũng chả trụ nổi. Sáng dậy thấy các nhà mái ngói, phi-prô xi măng và tôn xung quanh đều bị hư hỏng. 5 sào ruộng của tôi cũng chìm trong biển nước rồi”, ông Bách nói.
Tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, cơn bão số 1 có cường độ gió mạnh hơn dự báo, khi đổ bộ nó đi chậm trong đất liền nên gây ra sức tàn phá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tiếp tục có khả năng gây mưa lớn các tỉnh miền núi Tây Bắc. |
Chiều muộn 28/7, hàng chục người dân vẫn tụ tập trước đê bao biển cống 4 xã Nam Thịnh, nơi hàng chục tàu, thuyền bị đắm trong cơn bão số 1. “Sức gió giật mạnh khó ngờ. Dù các phương tiện thủy đã vào nơi tránh trú nhưng một số phương tiện vận tải bị đứt dây neo và chìm. Chúng tôi đã kịp thời cứu nạn một số phương tiện, vẫn có 12 phương tiện bị bão đánh đắm. Một tàu và xuồng tuần tra của CSGT đường thủy bị chìm; Một cán bộ CSGT đường thủy bị thương khi cứu người trong bão”, Đại tá Phạm Quang Duyến, Trưởng phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Nam Định thông tin.
Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là ba địa phương nằm trong tâm bão chịu ảnh hưởng nặng nề khi cơn bão quét qua. Thống kê sơ bộ, riêng ba địa phương này đã có gần 150.000 ha lúa bị ngập và có nguy cơ mất trắng; Hàng chục ngàn ha diện tích hoa màu bị dập nát; Hàng trăm lồng cá bị trôi; Hàng ngàn cây xanh và cột điện gãy đổ… Tới chiều 28/7, ba địa phương này vẫn mất điện trên diện rộng; Các cây xanh đổ chắn ngang tuyến đường đã được thu dọn, nhưng các cây đổ khác vẫn ngổn ngang; Nhiều đơn vị sản xuất phải ngưng trệ do bão làm tốc mái nhà xưởng…
Không nằm trong tâm bão số 1 nhưng nhiều địa phương phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Hà Nội, đã xảy ra đổ tường lan can tầng hai một ngôi nhà làm một người chết và 5 người bị thương ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Hà Nội cũng xảy ra 10 điểm ngập úng; 667 cây xanh và rất nhiều cột điện bị đổ gây cản trở giao thông, trong đó rất nhiều cây đổ đè vào xe ô tô, xe mô tô… Hưng Yên cũng có hàng trăm cây cối bị gãy đổ, hơn 10.000 m2 mái che bị tốc. Tại Hà Nam, hàng chục nghìn ha lúa bị ngập; Gần 1.000 ngôi nhà bị tốc mái. Tính đến ngày 28/7, bão số 1 đã làm hai người chết và mất tích.
Ngành GTVT khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, sáng 28/7, trên các tuyến QL1, 10, 21B, 38B, 37B, 12B, đường Hồ Chí Minh… có nhiều vị trí bị đọng nước mặt đường do mưa to, không thoát kịp; Nhiều biển báo và cây bị đổ, bị xô nghiêng, nhiều vị trí sạt lở taluy âm, taluy dương. Cầu phao Ninh Cường trên QL37B qua Nam Định bị một sà lan va chạm gây xô lệch; Trên đường nối QL1 với cảng Ninh Phúc, Ninh Bình bị gãy đổ 5 cột đèn cao áp… Trên đường sắt, cơn bão số 1 gây đổ một số cột thông tin và cây cối, vật liệu như mái tôn nhà dân vào đường sắt Bắc - Nam, đe dọa an toàn chạy tàu từ khu gian Gềnh - Đồng Giao trở ra khu vực Nam Định. Về đường thủy, bão số 1 đã gây tốc mái, hư hại kết cấu của 10 nhà trạm quản lý đường thủy ở phía Bắc…
Ngay sau khi cơn bão đi qua, cùng với người dân và lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương, ngành GTVT đã tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả mưa bão. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, các Cục QLĐB, các Sở GTVT tập trung lực lượng hót dọn đất đá trôi tràn mặt đường bảo đảm thông xe an toàn; Khẩn trương thông thoát nước, tổ chức điều hành giao thông, đặt biển cảnh báo ở các vị trí giao thông bị ngập. Sở GTVT Nam Định đã khắc phục xong sự cố va chạm cầu phao Ninh Cường ngay trong sáng 28/7, đảm bảo giao thông QL37B thông suốt.
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt cho biết, các đơn vị ngành Đường sắt đã nỗ lực kiểm tra, dọn đường sau bão. Từ 22h41 ngày 27/7 - 5h10 sáng 28/7, các chuyến tàu số chẵn từ phía Nam ra Hà Nội đều phải dừng tàu trung bình 1 - 2 tiếng chờ dọn đường, đảm bảo an toàn mới đi tiếp. Có ba chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội ngày 27/7 vào phía Nam cũng bị ảnh hưởng dừng tàu.
Do ảnh hưởng của bão số 1, Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) cũng thông báo hủy 8 chuyến bay và tạm dừng 6 chuyến bay. Jetstar Pacific cũng có 8 chuyến bay bị chậm cất cánh từ Nội Bài. Vietjet cho biết, các chuyến bay của hãng chỉ bị chậm, song chưa có chuyến nào phải hủy…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận