Trung Quốc sản xuất quá nhiều thép làm cho giá xuất khẩu giảm mạnh |
Ngành công nghiệp thép Trung Quốc sau nhiều năm tăng trưởng nóng hiện chiếm hơn 50% sản lượng thép thế giới. Khi nền kinh tế giảm tốc, Trung Quốc phải xuất khẩu với giá rẻ mạt, khiến thị trường thép toàn cầu bị bóp méo và chính nước này cũng đang phải chịu nhiều hệ luỵ kéo dài.
Bóp méo thị trường toàn cầu
Trong 25 năm trở lại đây, sản lượng thép của Trung Quốc tăng hơn 12 lần. Trong khi đó, sản lượng thép của Liên minh châu Âu (EU) giảm tới 12%, còn của Mỹ thì giữ nguyên. Sản lượng thép của Trung Quốc từ năm 1990 đến nay như sau: Năm 1990 - 66,4 triệu tấn, năm 2000 - 128,5 triệu tấn, năm 2010 - 638,7 triệu tấn, năm 2014 đã tăng tới 822,7 triệu tấn và năm 2015 là 803,83 triệu tấn. Trong năm 2016 dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Nhưng nhu cầu tiêu dùng dự kiến của Trung Quốc trong năm 2016 chỉ đứng ở mức 672 triệu tấn. Với lý do nói trên thép Trung Quốc giá rẻ đã tràn ngập thế giới, điều này làm cho các nhà máy thép của các nước khác lâm vào tình trạng khủng hoảng, khó cạnh tranh.
Theo Hiệp Hội Thép thế giới (WSA), ngành công nghiệp thép Trung Quốc hiện đang dư thừa một lượng hàng khổng lồ và để quay vòng vốn họ đã bán ra với giá rẻ mạt, bất chấp lỗ vốn; Đẩy các nhà sản xuất thép trên toàn cầu vào hoàn cảnh điêu đứng, nhiều nhà máy phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.
Phản ứng với thép giá rẻ Trung Quốc một giải pháp đơn giản được các nước đưa ra là điều chỉnh thuế nhập khẩu cao hơn so với trước. Chừng nào Trung Quốc vẫn bán thép với giá rẻ thì các nước nhập khẩu buộc phải đánh thuế cao hơn giá gốc. Điều này sẽ khiến cho thép nhập khẩu từ Trung Quốc đắt hơn so với thép trong nước và làm tăng tính cạnh tranh thị trường thép nội địa. Hiện tại, các nước sản xuất thép lớn như Ấn Độ, Mỹ và Indonesia đã tăng thuế nhập khẩu đối với thép Trung Quốc.
Trong khi thép sản xuất bán lỗ, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng việc họ bán thép với giá thấp hơn chi phí sản xuất là để ngăn chặn khủng hoảng thừa. Tân Hoa Xã đưa tin, việc cáo buộc sản xuất thừa thép gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thép toàn cầu là “cái cớ và sự lười biếng của chủ nghĩa bảo hộ”.
Trung Quốc được gì?
Theo giới phân tích kinh tế, trong khi các nước khác đau đầu thì chính Trung Quốc cũng đang “ngậm bồ hòn làm ngọt”, phải đối mặt với nhiều vấn đề nan y, khó giải. “Nhu cầu và giá thép đang sụt giảm với tốc độ ghê gớm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Tốc độ cắt giảm sản lượng chậm hơn so với tụt giảm nhu cầu” ông Zhu Min - Phó chủ tịch Hiệp hội sắt thép Trung Quốc nói.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, tổng đơn đặt hàng trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt 36,9 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; Và ngày 9/5, các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Citigroup cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tăng, bất chấp giá thép nội địa tăng cho thấy nhu cầu thép trong nước vẫn đang còn thấp. Còn Hiệp hội sắt thép Trung Quốc cho biết, tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn khoảng trên 100 triệu tấn.
Cũng phải nói thêm rằng, thép là mặt hàng quan trọng đối với ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, từ sản xuất xe hơi, cho đến xây dựng hay sản xuất đồ chơi cho trẻ em, nên thép giá rẻ là tín hiệu tốt. Nhưng giả sử, chúng ta là công nhân thép ở Âu - Mỹ và các nước khác, thì thép giá rẻ của Trung Quốc lại “họa nhiều hơn phúc”, khiến doanh nghiệp thép ở khu vực này phá sản, nhiều người sẽ mất việc làm.
Ngược lại, nếu là công nhân thép ở Trung Quốc thì đương nhiên không ai muốn Bắc Kinh cắt giảm sản lượng xuất khẩu vì nó gây ảnh hưởng không khác gì những người công nhân tại các quốc gia nhập khẩu. Nói rộng ra, việc sản xuất quá nhiều thép của Trung Quốc không chỉ gây hại trong bản thân họ mà còn làm khổ các nước khác. Giới chức Trung Quốc mới đây cho biết sẽ cắt giảm 500.000 việc làm trong một vài năm tới và các doanh nghiệp thép lớn đang thua lỗ hơn 15,5 tỷ USD. Ngoài ra, dự kiến giảm công suất lên tới 150 triệu tấn từ nay đến 2020. Thế nhưng, cắt giảm giảm việc làm và tăng nguy cơ bất ổn xã hội, theo BBC.
Và còn một hệ luỵ khác ít người nghĩ tới, đó là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, bởi thép là mặt hàng thiết yếu cho ngành công nghiệp quốc phòng, từ sản xuất tàu bè, máy bay hay xe tăng đều cần đến thép. Liệu có khôn ngoan nếu đóng cửa ngành công nghiệp thép trong nước để nhập khẩu. Đây là câu hỏi làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, cho dù trước mắt có rẻ hơn, lợi hơn nhưng người ta lại không muốn lệ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, một khi có biến động, kể cả nguồn cung lẫn có chiến tranh xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận