70 năm truyền thống ngành GTVT

Ngày "tận thế" của thủy thần Khe Ang

05/09/2014, 13:31

Dịp này năm trước, thủy thần Khe Ang đã lạnh lùng nuốt chửng một ô tô chở 7 người trong một gia đình. Ngày đi ăn giỗ trở thành ngày giỗ của 5 người.

TIN LIÊN QUAN

 

Ước nguyện bao đời của người dân nơi đây về một cây cầu nay đã trở thành hiện thực
Ước nguyện bao đời của người dân nơi đây về một cây cầu nay đã trở thành
hiện thực

Sự kiện lịch sử lặp lại sau 42 năm


Hai ngày trước lễ khánh thành cầu Khe Ang, Trạm y tế xã Nghĩa Hồng trở nên tấp nập với gần 200 người xếp hàng chờ khám bệnh và cấp thuốc. Gần một nửa trong số này là bà con đến từ các xóm Hồng Cường, Hồng Thái và Hồng Thịnh phía bên kia dòng Khe Ang.


Với ông Bùi Trọng Lâm (61 tuổi) đã 46 năm gắn bó với con nước Khe Ang, đây là lần thứ hai ông được chứng kiến dấu mốc lịch sử: “Năm 1972, bốn năm sau khi lên làm công nhân, tôi là một trong số những người đầu tiên vác đá thi công tràn Khe Ang. 42 năm sau, thêm một lần tôi được tham dự khởi công xây dựng và chứng kiến cây cầu Khe Ang hoàn thành. Từ khi làm cầu, suốt mấy tháng, bữa mô tui cũng ra dòm, coi con cháu xem tụi hắn mần răng, vui lắm. Bữa ni có cầu, hắn cứu được sinh mạng bao nhiêu người dân mỗi mùa mưa lũ, con cháu đi học cũng đỡ khổ hơn”, ông Lâm xúc động nói.


Cũng là người mấy chục năm thuộc làu con nước Khe Ang mỗi khi mùa lũ về, ông Nguyễn Văn Bân, nhà ngay bên bờ Khe Ang chia vui: “Từ bữa ni không còn cảnh thấp thỏm đèn pin giữa đêm lo hò nhau đi cứu người, cứu xe gặp nạn”. Với Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hồng, ông Đinh Văn Minh, cầu Khe Ang hoàn thành không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa ba xóm Hồng Cường, Hồng Thái và Hồng Thịnh với trung tâm thị trấn mà còn là niềm vui cho gần 500 học sinh của 3 cấp học, rồi đây sẽ không còn cảnh đứt học khi mưa lũ về.  

“Cam, quýt thu hoạch vào tháng 8, 9 chính mùa mưa bão, từ năm ni bà con cũng không còn lo cảnh hái cam, quýt ra không đưa đi tiêu thụ kịp vì tắc ngầm, tắc tràn. Có lẽ với người dân Nghĩa Hồng, cầu Khe Ang được xây dựng và đưa vào sử dụng là một dấu mốc lịch sử. Có những cụ già ở cái tuổi gần đất, xa trời giờ đã được toại nguyện ước mong của đời mình được một lần nhìn thấy cây cầu thoát khỏi cảnh ốc đảo khi mùa mưa về”, ông Minh chia sẻ...
 

Những người thợ đang hoàn thiện nốt các phần việc cuối cùng để ngày 6/9 cây cầu chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng
Những người thợ đang hoàn thiện nốt các phần việc cuối cùng để ngày 6/9 cây cầu chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng

Hết cảnh bật quạt hong quần áo… giữa mùa đông


Gần 30 năm gắn bó với con nước Khe Ang, thầy giáo Trần Văn Nghệ, Hiệu trưởng trường THPT Cờ Đỏ tâm sự với chúng tôi về lần cả hai vợ chồng chết hụt tại Khe Ang hơn 10 năm trước: “Hôm đó cũng dịp 2/9, dân đi chơi nhiều, trời mưa, tui chở vợ cùng hàng hóa sang chợ bên Nghĩa Mai để bán. Khi qua tràn, xe tui bị nước đẩy trôi, may mà hàng nặng và tui bình tĩnh gồng mình giữ được xe giữa dòng nước siết, chứ không chừ mô mà ngồi đây. Đời người gian truân nhiều năm tháng trong quân ngũ, vượt nhiều khe, suối nhưng chưa khi mô hoảng như bữa đó”, thầy Nghệ nhớ lại. 
 

* Theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An,  năm 2011 nước lũ đã gây ra 48 vụ trôi xe, năm 2012, 30 xe máy và một xe ô tô con cũng bị nước cuốn trôi, trong đó vụ trôi ô tô  làm hai người chết, mất tích. Gần đây nhất, vào ngày 19/9/2013, Rằm tháng 8 (âm lịch), chiếc ô tô 7 chỗ, chở 7 người trong một gia đình, bị dòng nước dâng nhanh cuốn xuống lòng khe khiến 5 người bị thiệt mạng.


* Không chỉ đưa công trình về đích vượt tiến độ mà nhân dịp khánh thành cầu Khe Ang, Công ty Cổ phần đầu tư 468 còn dành tặng 43 suất quà trị giá gần 100 triệu đồng cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa phương và gia đình người bị nạn trong vụ trôi xe năm 2013. Nhân dịp này, UBND tỉnh Nghệ An trao tặng Bằng khen cho hai đơn vị thi công vì đã có thành tích thi công dự án vượt tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình.  

Tuy nhiên, với thầy Nghệ, những vất vả ấy chưa thấm gì so với những điều mà bao thế hệ học trò, trong quá trình thầy công tác tại đây từ năm 1986 đến nay, phải trải qua. Chính thầy Nghệ cũng không biết từ khi nào lũ học trò hình thành thói quen hễ cứ trời chực mưa là chúng lũ lượt xin về bởi nếu không nhanh sẽ không kịp qua tràn đã trở thành cơm bữa.

Bởi, nếu chậm chân chỉ còn nước nhịn đói hoặc ăn mỳ tôm qua bữa: “Năm học này, trường có 1.000 học sinh thì 1/3 trong số đó là các em bên kia cầu, ngày hai buổi đi về. Mùa mưa đến, sáng ra, các em phải canh trời để căn giờ đi học tránh nước tràn Khe Ang dâng cao. Còn nếu đi vòng đến trường thì muộn học hai tiết là chuyện thường ngày. Vào mùa mưa, tỉ lệ học sinh đi học giảm 2/3, có hôm 1/4 các em trong lớp xin về sớm, tình trạng này lặp đi, lặp lại như đã thành nếp”, thầy Nghệ tâm sự.

Cũng trong câu chuyện của thầy Hiệu trưởng, tôi được biết không chỉ có 300 học sinh của Trường THPT Cờ Đỏ mà hơn 100 học sinh THCS cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Chuyện về cái khổ của học sinh nơi đây mà chúng tôi nghe được là việc trời mùa đông nhưng trong lớp các em vẫn phải bật quạt vì muốn…nhanh khô quần áo do lội qua tràn bị ướt.

“Lúc đầu, khi nghe tin được xây cầu, thậm chí khi thấy cán bộ về đo đạc, tôi vẫn bán tín bán nghi và cho rằng dự án treo là bình thường. Chỉ đến khi cầu Khe Ang được khởi công, rồi được triển khai rất nhanh, tôi mới tin và thực sự mừng vì từ nay cảnh học sinh lội bộ, ngồi công nông, xe bò qua tràn sẽ chấm dứt” - thầy Nghệ cho biết.


Em Đào Thị Hường, học sinh lớp 11A7 vui mừng nói: “Em đã từng hai lần bị trượt chân khi qua tràn nhưng may mắn được các bạn kéo lên. Giờ có cầu, thời gian từ nhà đến trường chỉ còn 40 phút cho quãng đường 10km thay vì phải đi vòng 19km mất gần 2 giờ đồng hồ như trước đây. Nhờ có cầu, chúng em không còn bị nghỉ học giữa chừng hoặc phải đến lớp muộn nữa”.

Công trình nghĩa tình của ngành GTVT


Đó là tâm sự của Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Kỳ về ý nghĩa của việc triển khai dự án cầu Khe Ang. Người đứng đầu ngành GTVT Nghệ An cho biết, nguồn vốn xây dựng cầu Khe Ang được trích từ Quỹ Bảo trì đường bộ do chính người dân đóng góp và được sử dụng đúng mục đích để giải quyết khó khăn trong việc đi lại cho hơn ba vạn dân mỗi khi mùa mưa lũ về. 


Ông Nguyễn Hồng Kỳ cũng cho biết thêm: Được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Sở GTVT Nghệ An đã coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp bách. Sở đã yêu cầu nhà thầu Công ty Cổ phần đầu tư 468 và Hồng An ngày đêm thi công quyết liệt, vượt khó bằng các giải pháp, biện pháp thi công linh hoạt để kịp hoàn thành công trình về đích trước mùa mưa.


Công trình khi hoàn thành còn góp phần phá thế đứt mạch từ Đường tỉnh 531 nối QL 48 với QL 15 và đường Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa và xuống Quỳnh Lưu. Về phía nhà thầu, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư 468, Đàm Anh Tài cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt đến từng kỹ sư, công nhân xây dựng về tính chất cấp bách và ý nghĩa của dự án là công trình mang tính nghĩa tình của ngành Giao thông chia sẻ với người dân nơi đây. Trên cơ sở đó, ngoài vấn đề tiến độ, đơn vị thi công đã hết sức nghiêm túc trong việc đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật cao của công trình”.

Tuấn Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.