Quản lý

Ngày đầu thu phí BOT Bến Lức-Đức Hòa ùn ứ cục bộ

18/06/2018, 13:41
image

Ngày đầu thu giá BOT Bến Lức-Đức Hòa đã xảy ra 4 đợt ùn ứ cục bộ, kéo dài khoảng 500m.

IMG_8583

Ngày đầu thu giá BOT Bến Lức-Đức Hòa ùn ứ cục bộ. Ảnh: Hải Đường 

Trưa 18/6, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty BOT Bến Lức-Đức Hòa (Long An) cho biết, từ 0h cùng ngày trạm thu giá BOT Bến Lức-Đức Hòa chính thức hoạt động.

Trong buổi sáng đã có khoảng 4 đợt ùn ứ cục bộ kéo dài khoảng 500m ở đầu trạm An Thạnh theo hướng Bến Lức đi Đức Hòa. Nguyên nhân do một số tài xế thắc mắc về chế độ miễn giảm, đồng thời do mặt đường quá hẹp, chỉ có 2 làn xe trong khi lượng xe qua trạm rất đông. Trước tình hình trên, Công ty cử cán bộ, nhân viên đến giải thích để các tài xế hiểu và đồng thuận nên tránh được sự ùn tắc xảy ra.

“Ngoài các đối tượng được miễn giảm theo quy định, Công ty đã thực hiện việc miễn, giảm cho 79 phương tiện không kinh doanh của cá nhân trên địa bàn các xã có dự án đi qua. Cũng ngay trong buổi sáng cùng ngày, Công ty bán 61 vé quý, tháng cho các phương trong và ngoài tỉnh”, ông Tài cho biết.

IMG_8610

Trạm BOT Bến Lức-Đức Hòa chính thức đi vào thu giá. Ảnh: Hải Đường

Còn theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty Băng Dương, chủ đầu tư dự án cho biết, Công ty đang đề nghị UBND tỉnh Long An cho mở rộng thêm làn để triển khai việc thu phí không dừng trong thời gian tới.

Theo phương án thu giá nhà đầu tư đưa ra, sau 6 tháng đi vào hoạt động, nhà đầu tư sẽ xem xét mức giá phù hợp với tình hình thực tế. Hiện, mức giá thấp nhất 25.000 đồng/lượt, cao nhất 165.000 đồng/vé tùy theo phương tiện. Riêng ô tô của người dân 2 bên tuyến không sử dụng mục đích kinh doanh vận tải sẽ được miễn phí; xe của các doanh nghiệp nằm trên tuyến chỉ thu phí một lần và được giảm 20%.

Được biết, Dự án BOT Bến Lức-Đức Hòa là dự án đầu tiên của tỉnh, có kinh phí thực hiện 1.079 tỉ đồng. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực trung chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, tăng cường vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, góp phần giảm áp lực quá tải cho các tuyến đường cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.