Đường mới, thuận lợi trăm bề
Suốt mấy chục năm, các phương tiện và xe cộ di chuyển về Cà Mau (nơi tận cùng Tổ quốc) chỉ có duy nhất một đường là đi qua QL1.
Các phương tiện di chuyển trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Trong khi mật độ dân cư cùng kinh tế ngày càng phát triển, đã khiến tuyến đường này trở nên chật hẹp so với lượng người và phương tiện di chuyển. Kéo theo đó, là cảnh ùn tắc, kẹt xe, ngột ngạt và oi bức.
Năm 2004, dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được Bộ GTVT phê duyệt theo Quyết định 3295/QĐ-BGTVT. Qua năm sau, tuyến đường này được khởi công xây dựng với tổng chiều dài 119,3km, theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), đối với tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp chỉ đi qua thị xã Ngã Bảy, thị xã Ngã Năm và huyện Phước Long; trong khi dẫn trực tiếp về trung tâm TP Cà Mau. Nên mục tiêu chính mở ra tuyến đường này là nhằm kết nối giao thương về Đất Mũi.
Và đến năm 2011, tuyến đường chính thức được thông xe, phá thế độc đạo của QL1.
Ngày đó, dù chỉ là đường láng nhựa, nhưng rất đông các phương tiện đã chọn di chuyển qua đây vì từ Cần Thơ đi Cà Mau đã rút ngắn được tới 40km.
Ông Hồ Xuân Hải (74 tuổi, chủ một cơ sở kinh doanh hải sản ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhớ lại: Gần 10 năm qua, các xe tải chở hàng của ông đã không còn đi trên QL1 (từ TP Ngã Bảy, Hậu Giang) để về Cà Mau, mà chuyển qua đi trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
“Đường ngắn hơn đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Hơn nữa, đã góp phần giảm tải cho QL1 vốn đang chật chội vì ùn tắc”, ông Hải nói.
Theo thống kê từ các cơ quan quản lý, thời điểm được thông xe vào năm 2011, mỗi ngày, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp có khoảng 2.000 phương tiện/ngày đêm di chuyển qua đây.
Một đoạn trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp dẫn về TP Cà Mau.
Do ban đầu chỉ được xây dựng đường láng nhựa, nên sau thời gian sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 3/2019, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Dự án được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) khởi công vào tháng 2/2020, có điểm đầu dự án tại Km 4+985 (đường dẫn mố A cầu Sóc Trăng vượt QL1) thuộc địa phận Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang); điểm cuối tại Km 108+328 (đường dẫn mố M2 cầu Cái Nhúc) thuộc TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.
Việc đi lại của người dân theo tuyến đường này rất thuận tiện. Ảnh: Phan Tư
Đến nay, công trình đã hoàn thành, toàn tuyến hơn 100km được thảm nhựa láng bon, chạy liền một mạch về đến Cà Mau trong sự phấn khởi của người dân.
Người dân, chính quyền đều mừng rỡ
Hiện tại, mỗi ngày có khoảng trên dưới 4.000 phương tiện/ngày đêm di chuyển qua đây, con số tăng gấp đôi so với thời điểm thông xe năm 2011. Qua đó, góp phần giảm tải cho QL1, và cùng với những công trình lân cận, hình thành trục giao thông huyết mạch cho vùng ĐBSCL.
Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp là tuyến đường đi qua 4 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chạy song song tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Điểm khởi đầu tại TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) và điểm cuối là TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Ông Lâm Minh Toàn (68 tuổi, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Đến nay, mật độ dân cư hai bên tuyến đường đã dần đông đúc. Hàng quán, các cơ sở dịch vụ cũng đã nhộn nhịp hơn. Giao thông đã mở đường cho phát triển, cuộc sống bà con xung quanh giờ rộn rã lắm”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lâm Văn Bi cho rằng, Cà Mau là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông yếu nhất vùng ĐBSCL.
Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông qua địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang được đầu tư trong đó hệ thống quốc lộ đi qua tỉnh gồm QL1, QL63, đường hành lang ven biển phía nam, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh.
Tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp giúp rút ngắn khoảng cách về Cà Mau lên tới 50km.
Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy rất tốt hiệu quả đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sắp tới đây, tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua tỉnh có chiều dài khoảng 21,9km), thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, khi được triển khai xây dựng và hoàn thành trong tương lai sẽ có sức lan tỏa cao, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho khu vực, trong đó có Cà Mau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận