Bất chấp những trấn an từ Chủ tịch Man City, không nhiều người tin nhà cầm quân người Tây Ban Nha sẽ ở lại Man City sau khi mùa giải năm nay khép lại.
Kết thúc của một chu kỳ
Tại vòng 17 Ngoại hạng Anh, Man City dễ dàng đánh bại Arsenal 3-0 nhờ các bàn thắng của De Bruyne (cú đúp) và Sterling. Tuy nhiên, trận thắng này không mang nhiều ý nghĩa bởi trước đó Liverpool cũng đã vượt qua Watford với tỉ số 2-0.
Hiện tại, The Citizens kém The Kop 14 điểm, một khoảng cách quá lớn để có thể san lấp, nhất là trong bối cảnh Liverpool chơi cực kỳ ổn định còn Man City đá phập phù. Từ đầu mùa, Man xanh đã 6 lần đánh rơi điểm số (2 trận hòa, 4 trận thua), bằng đúng với số lần mất điểm của cả mùa trước. Chỉ riêng dẫn chứng này cũng đủ thấy đoàn quân dưới quyền HLV Pep Guardiola đang thực sự gặp vấn đề.
Vậy, vấn đề đó là gì? Hàng thủ Man City thiếu chắc chắn, dễ bị khoan thủng, hàng công phụ thuộc quá nhiều vào De Bruyne, David Silva và Sergio Aguero. Tuyến giữa được xem là tuyến ổn nhất nhưng thực tế cũng không thực sự ổn khi đội bóng áo xanh thành Manchester thiếu một tiền vệ đánh chặn đẳng cấp. Rodri được đưa từ Atletico Madrid về với giá 70 triệu bảng nhưng cầu thủ người Tây Ban Nha chơi kém xa kỳ vọng. Nhìn tổng thể, Man City không còn duy trì được sức mạnh tuyệt đối như hai mùa giải đã qua.
Chính phong độ kém ấn tượng của The Citizens đã làm dấy lên tin đồn HLV Pep Guardiola sẽ rời sân Etihad khi mùa giải năm nay khép lại. Bất chấp việc Chủ tịch Man City Khaldoon Al Mubarak lên tiếng vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào nhà cầm quân người Tây Ban Nha, người hâm mộ có lý do để tin vào kịch bản vừa nêu. Thứ nhất, Pep Guardiola được đưa về để giúp Man xanh hiện thực hóa giấc mơ Champions League. Tuy nhiên, ba mùa giải dưới thời Pep, đội chủ sân Etihad một lần bị loại ở vòng 1/8, hai lần bị loại ở tứ kết. Thành tích này thậm chí còn kém người tiền nhiệm Manuel Pellegrini khi vị chiến lược gia người Chile từng đưa Man City vào bán kết mùa giải 2015 - 2016. Năm nay, tuy Man City đã vượt qua vòng bảng nhưng không nhiều người tin Pep Guardiola và học trò có thể tạo nên kỳ tích.
Thứ hai, theo tờ Independent, HLV Pep Guardiola không phải là mẫu người thích gắn bó lâu ở một đội bóng và thường ra đi khi cảm thấy không thể duy trì đỉnh cao. Lật lại quá khứ, quả đúng Pep đã rời Barcelona (sau 4 năm), Bayern Munich (sau 3 năm) theo kịch bản như vậy. Nói cách khác, Pep Guardiola không phải mẫu HLV sẵn sàng đương đầu với thách thức trong việc tái thiết một tập thể. Từ Barcelona tới Bayern Munich và Man City, Pep đều nắm quyền khi đội bóng đạt trạng thái sung mãn nhất, hoàn hảo nhất về lực lượng.
Cũng theo Independent, sau ba mùa giải, rõ ràng Man City đang cho thấy dấu hiệu chệch choạc, cần một cuộc cải tổ. Ông chủ Man xanh dĩ nhiên không thiếu tiền và Pep Guardiola có thể mua sắm thoải mái để nâng cấp đội hình. Nhưng nhìn quanh những cái tên mà nhà cầm quân người Tây Ban Nha đưa về trong những năm qua, chưa ai thực sự xuất sắc, đa phần chỉ chơi tròn vai, thậm chí đi xuống so với trước khi tới sân Etihad. Bởi vậy, nếu tiếp tục song hành cùng nhau, mối lương duyên Pep - Man City chưa chắc đã đem lại kết quả tốt đẹp.
Triết lý lỗi thời?
Theo nguồn tin của tờ Telegraph, nếu rời Man City, Pep Guardiola có thể tới Juventus hoặc PSG, hai đội bóng giàu tiềm lực và tham vọng. PSG đang được dẫn dắt bởi HLV Tuchel nhưng có vẻ như lãnh đạo đội bóng thành Paris vẫn muốn một nhà cầm quân tầm cỡ hơn, danh tiếng hơn. Trong khi đó, Juventus từng nhiều lần ngỏ ý mời Pep tới nắm quyền nhưng không thành công. Mùa giải năm nay, ngôi vương của Juventus tại Serie A đang bị đe dọa và giới chủ đội chủ sân Juventus Arena càng có lý do để trải thảm đỏ mời Pep.
Tuy nhiên, theo Taste of football, dù ở lại hay ra đi tìm bến đỗ mới, Pep Guardiola đều phải thay đổi cách làm bóng đá của mình. Thực tế, Pep Guardiola đã mang theo một cuộc cách mạng về lối chơi tới Ngoại hạng Anh. Vài năm gần đây, khá nhiều đội bóng hướng theo cách chơi tiki-taka của Man City, tức kiểm soát bóng và triển khai tấn công tuần tự từ thủ môn, hậu vệ, tiền vệ rồi tới tiền đạo. Nhờ triết lý này, Man City gần như không có đối thủ ở hai mùa gần nhất, tạo ra vô số kỷ lục. Mặc dù vậy, bóng đá thế giới luôn biến đổi, không triết lý nào có thể tồn tại mãi mãi và vẫn đem lại hiệu quả tối đa.
“Xu thế bóng đá hiện đại là chơi tốc độ, tấn công nhiều ở hai cánh và đưa trái bóng tới khung thành đối phương nhanh nhất có thể. Ngược lại, khi phòng ngự, đội hình cũng lùi về với tốc độ tối đa, các tiền đạo cũng đóng vai trò đánh chặn. HLV Jurgen Klopp là một tín đồ của thứ bóng đá này và Liverpool dưới tay ông đang chơi rất thành công. Trong cuộc cạnh tranh về chiến thuật, Klopp đang nhỉnh hơn Pep Guardiola”, Taste of football nêu quan điểm.
Telegraph cũng cho rằng, thất bại của Pep Guardiola tại đấu trường Champions League trong hơn nửa thập kỷ qua là minh chứng rõ nét nhất cho việc tiki-taka không còn đủ sức mạnh để thống trị châu Âu. “Pep Guardiola với triết lý của mình có thể khiến PSG, Juventus hoặc bất kỳ đội bóng nào trở nên hào nhoáng hơn, cống hiến hơn. Họ cũng có thể lên ngôi ở giải quốc nội nhưng để thống trị đấu trường châu Âu khắc nghiệt thì chắc chắn nó là chưa đủ. Pep phải thay đổi nếu muốn tiến lên, bằng không ông khó tạo ra được thêm những chiến công lẫy lừng như khi còn ở Barcelona”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận