Muốn thơ hay tốt nhất không viết thơ dở, nếu dở quyết không in, chia sẻ của Trần Đăng Khoa trong Ngày thơ |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, thần đồng thi ca Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị về chuyện thơ hay, thơ dở trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng (11/1) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Làm thế nào để có thơ hay?
Theo Nhà thơ Trần Đăng Khoa, làm thế nào để có thơ hay là một câu hỏi rất khó. Thơ hay theo ông chỉ chốt trong 6 chữ: Xúc động, giản dị, ám ảnh, đọc rồi không quên được.
Làm thế nào để không viết thơ dở?
Để có thơ hay thì tốt nhất không viết thơ dở. Làm thế nào để không viết thơ dở? Bởi có phải ai cũng viết được thơ hay đâu? Ngày hôm nay viết thơ hay nhưng hôm sau viết dở.
"Một bác người quen của tôi đến nói, con chó vừa chạy đi, bác bảo tôi làm thơ mất chó đi. Tôi viết bài thơ "Sao không về Vàng ơi", bài thơ vừa in xong 4 ngày sau con chó lại về. Ngay hôm đó, tôi viết bài thơ "Chó về". Xin thưa, bài thơ dở không thể nào chịu được.
Tôi luôn luôn viết dở thành ra luôn phải sửa chữa. Mỗi một năm thơ tôi in và tái bản rất nhiều lần. Nhiều bác bảo: Tại sao thằng này ngày xưa nó là thần đồng còn bây giờ nó thần kinh rồi! (Cười). Không ai lấy cái tư duy của cái lão 50- 60 tuổi để áp vào cậu bé lên 10 tuổi. Khổ nỗi tôi nghĩ đây là thơ của một đời thơ chứ tôi không nghĩ là cậu bé. Và tôi cứ sửa", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Chính vì vậy, theo nhà thơ làm thế nào để có thơ hay thì tốt nhất các nhà thơ gương mẫu không làm thơ dở. Nếu đã trót làm thơ dở rồi, quyết không in.
"Nếu bây giờ nói các nhà thơ Đường khổng lồ người ta nhắc tới 3 nhà thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Nhưng nếu chọn bài thơ Đường nào hay nhất thì cả 3 nhà thơ trên đều không có mà là nhà thơ chỉ có 1 bài. Hay như cụ Vũ Đình Liên chỉ có mỗi một bài thơ "Ông Đồ" mà giờ đây cụ ngồi lẫn với các cụ Xuân Diệu, Nguyễn Du. Cho nên tôi nghĩ các nhà thơ chúng ta cố gắng làm 1 bài thơ thật hay. Chúng ta có 800 nhà thơ, chúng ta có 800 ông Đồ thì nền văn thơ chúng ta thật vĩ đại", ông nói.
Làm sao biết được thơ mình dở?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, có câu "văn mình, vợ người". Vợ người thì đẹp văn mình thì hay. Tuy nhiên, theo ông đã là nhà thơ, sẽ biết thơ dở thơ hay. Nếu một nhà thơ không biết thơ mình dở rất dễ bị lừa, không thể phát triển được.
Clip nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận