Xã hội

Nghệ nhân trăm tuổi giữ hồn đại ngàn Trường Sơn

24/01/2023, 19:00

Ở ngôi làng nằm lọt thỏm giữa bốn bề thâm u, có một cựu binh dành hết tâm sức để những vũ khúc của đại ngàn Trường Sơn không chìm vào quên lãng.

Âm vang cồng chiêng nơi biên viễn

Từ thị trấn Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), men theo đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông vào đến trung tâm xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) cũng mất gần non nửa ngày đường chạy xe máy vượt đèo leo dốc.

Khi bánh xe chạm đến địa phận bản Lền cũng là lúc cơn mưa rừng cuốn mù cả góc trời đại ngàn, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Liên - người được mệnh danh là “cây đại thụ” âm nhạc của đồng bào Vân Kiều.

img

Già Liên say sưa truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng, trống xi-cơn cho con cháu và người dân trong thôn, xã

Căn nhà sàn bạc nắng mưa, nằm nép mình bên bờ suối, bốn bề chìm lút trong màu xanh mướt của núi rừng.

Thấy có người ghé thăm, già Liên vội đặt cây sáo Klui đang thổi xuống bàn, đon đả đón khách. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 99 nhưng già vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi mắt vẫn tinh anh và giọng nói rất hào sảng.

Nhấp ly trà nóng trong tiết trời se lạnh, già Liên chậm rãi kể, cuộc đời ông đã từng cầm súng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đến khi xa rời quân ngũ, ông trở về địa phương làm giáo viên bình dân học vụ. Sau đó, ông tiếp tục công tác tại văn phòng UBND xã rồi làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Ô.

Già Liên còn vang danh khắp chốn bởi ông là bậc cao niên hiếm hoi tường tận nguồn cội văn hóa cồng chiêng; biết chơi nhiều loại nhạc cụ như cồng chiêng, trống, sáo; biết dùng đôi tai để thẩm âm, chỉnh thanh âm của chiêng và biết làm trống xi-cơn.

Thuở thiếu thời, ông thường đi theo các vị bô lão và người thân trong những dịp lễ hội của bản, say sưa lắng nghe và hòa mình vào điệu cồng chiêng mê đắm.

Dần dà, những vũ điệu ấy dường như “ngấm” vào huyết quản. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã thành thạo nhiều bài chiêng rồi bắt đầu học các nhạc cụ khác khi vừa 15 tuổi.

Điểm tựa tinh thần

Với dân bản rẻo cao, cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ mà còn là điểm tựa tinh thần. Ngay từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay về với đất trời, thanh âm ấy tham gia vào tất cả các hoạt động trong đời sống và trở thành một phần không thể thiếu của mỗi con người nơi đây.

Xã Vĩnh Ô có 7 thôn với 376 hộ dân sinh sống. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 15 cái chiêng, 5 chiếc cồng và 5 cái trống xi-cơn. Các nhạc cụ này phân tán trong cộng đồng, mỗi khi cần huy động thì phải mượn hoặc thuê.
Hiện, trong xã còn khoảng 50 người có độ tuổi trên 60 đánh được các nhạc cụ cồng, chiêng, trống. Những năm gần đây, số người trẻ tuổi biết đánh loại nhạc cụ này tăng lên, họ sẽ được tập hợp lại mỗi khi thôn, xã có lễ hội hoặc đám đình. Xã cũng đang dự kiến thành lập câu lạc bộ cồng chiêng kết hợp làm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách.
Ông Hồ Văn Tuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Ô

Với già Liên cũng vậy, khi được hòa mình vào không gian đắm say và linh thiêng của cồng chiêng cũng là lúc già tự tin và hào sảng nhất. Người dân ví rằng, già được Giàng ưu ái ban cho đôi tay khéo lại thêm đôi tai thẩm âm tuyệt vời nên những ngón chiêng già đánh đều có sức cuốn hút đến lạ thường.

Già Liên kể, việc đánh cồng chiêng cũng là một nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ tinh tế, theo quy củ chứ không phải “bạ đâu đánh đó”. Cồng chiêng chỉ được đánh từ lúc 5h đến non 9h sáng trong ngày, sau khung giờ này đều bị cấm kỵ bởi nếu phạm vào thì thần linh sẽ quở trách, dân bản chịu tai ương. Duy chỉ vào những dịp lễ đặc biệt, loại nhạc cụ này mới được đem ra đánh liên hồi cả đêm lẫn ngày.

Già Liên tâm sự, mỗi khi cồng chiêng hư hỏng chẳng khác nào bản thân ông đang đau bệnh, như có con ong, cái kiến đương bò trong da thịt. Vì vậy, ông mày mò, tìm cách “bắt mạch”, “chữa bệnh” cho cồng chiêng.

Khi phát hiện chiếc chiêng bị “điếc” (hỏng) hoặc âm phát ra không hay, chênh phô, lạc tông thì ông sẽ dùng cám rượu cần chùi sạch chiêng. Sau đó, dùng đục gỗ hoặc cán rìu, cán rựa để cạo, gõ cho đến lúc trả lại được âm thanh nguyên thủy. Trong xã, duy chỉ ông mới có khả năng kiểm định và chỉnh chiêng đặc biệt này.

Luật bất thành văn, việc sửa chữa cồng chiêng cũng phải thực hiện vào sáng sớm, nếu làm cả ngày thì bắt buộc chủ nhân phải làm lễ cúng 1 con gà để xin Giàng.

Thổi hồn vào trống xi-cơn

img

Không chỉ sử dụng thuần thục cồng chiêng, già Hồ Văn Liên còn là “cây đại thụ” trong nghề làm trống xi-cơn

Cũng như cồng chiêng, trống xi-cơn của đồng bào Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô đã có từ lâu đời. Mỗi khi trong gia đình có đám giỗ Xa-mun, lễ cúng lúa tạ ơn (A-bôn), việc cưới, việc tang hay các lễ hội văn hóa văn nghệ của thôn xã, những thanh âm của cồng chiêng và trống xi-cơn lại vang lên.

Tùy theo từng nghi lễ mà nhịp điệu của loại nhạc cụ này dồn dập, tươi vui hay khoan thai, thong thả; lúc trầm bổng, sâu lắng hay hào hùng, da diết. Bởi trong tâm linh, người Vân Kiều quan niệm, khi tiếng chiêng, tiếng trống bay cao lên trời sẽ len lỏi trong rừng sâu, vách đá, hòa quyện cùng tiếng suối và gió ngàn. Qua đó, họ tỏ lòng thành kính với các đấng thần linh và cầu xin bề trên độ trì, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân bản yên bình.

Người dân Vĩnh Ô nói rằng, già Hồ Văn Liên là “cây đại thụ” trong nghề làm trống xi-cơn. Những người biết làm trống trong xã hầu hết đều là học trò, con cháu của ông. Già Liên có tất thảy 8 người con thì cả 6 người con trai đều biết đánh loại nhạc cụ này.

Để chúng tôi tường tận hơn, già Liên đi đến phía kệ tủ, bê ra một chiếc trống xi-cơn do chính tay ông làm rồi cho biết: “Thân chiếc trống được làm từ gỗ cây mít. Muốn trống có âm hay, bền, phải chọn gốc cây có phần roòng màu vàng sẫm hoặc đỏ. Sau đó, cắt khúc dài khoảng 80cm, rộng tầm 40cm rồi dùng rìu đẽo gọt, mài nhẵn bóng bên ngoài”.

Tiếp đến, ông tìm mua da bò tươi, cạo sạch lớp lông rồi phơi khô trong vòng nửa tháng. Khi lớp da đã khô mới căng lên 2 bên thân gỗ để đo cắt sao cho vừa khớp làm thành mặt trống. Xong xuôi, ông đục nhiều lỗ phía trên bề mặt, xâu sợi dây được làm từ da trâu cắt nhỏ qua rồi siết chặt, hòng căng mặt trống đến mức tối đa. Hai que gỗ hoặc cao su cũng được sử dụng để làm dùi.

“Mỗi chiếc trống trung bình được làm trong khoảng 15 ngày. Vào mùa Hè hanh khô, người sử dụng cần phun nước vào mặt trống để da giãn mềm, tránh co quắp”, già Liên chia sẻ.

Hiện nay, cả xã miền núi Vĩnh Ô hiện chỉ có tầm 6 chiếc cồng chiêng cổ và 5 người biết làm trống xi-cơn. Trong đó, người biết đánh và đánh hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Có tiền cũng không mua được chiêng và trống đâu, nhiều người đến ngã giá cao rồi nhưng tôi không bán”, già Liên tiếp lời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.