9 nghệ sĩ gửi bản kiến nghị tới Phó Thủ tướng đề nghị dừng cổ phần hóa và thay GĐ Hãng phim truyện VN. |
NSND Thanh Vân, NSƯT Đức Việt, NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSƯT Đức Lưu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và hoạ sĩ Vũ Huy đã cùng ký vào bản kiến nghị gửi Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đề nghị dừng việc cổ phần hoá đối với Hãng phim truyện Việt Nam (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phim truyện VN).
Mở đầu bản kiến nghị, các nghệ sĩ thẳng thắn bày tỏ thế hệ các nghệ sĩ từng cống hiến, trưởng thành từ VFS “vô cùng bức xúc trước thông tin về quá trình cổ phần hoá VFS”. Đồng thời, các nghệ sĩ kiến nghị cần ngay lập tức chấn chỉnh, thậm chí dừng hẳn việc cổ phần hoá VFS vì các lý do:
Tiến trình cổ phần hoá VFS hiện nay đang diễn biến tỏ ra không minh bạch và rất vội vã, khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích cổ phần hoá hãng phim và đặc biệt là mục đích của đơn vị đang giữ vai trò nhà đầu tư chiến lược vào hãng phim thực chất là gì?
Bản kiến nghị cũng nêu rõ, việc cổ phần hoá VFS chưa từng được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị công nhân viên chức của hãng. Chủ trương cổ phần hoá VFS chỉ được công bố trên tờ báo rất nhỏ của địa phương (báo Kinh tế & Đô thị).
Bản kiến nghị của 9 nghệ sĩ gửi Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện ề việc dừng việc cổ phần hoá đối với Hãng phim truyện Việt Nam |
Việc các cơ quan liên quan công bố với báo chí là Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) hiện có giá trị thương hiệu bằng 0, giá trị đất đai cũng bằng 0 (do không có sổ đỏ) trong khi thực tế hãng giữ quyền sử dụng 4 mảnh đất có giá trị kinh tế cao.
Đó là hai khu đất được thuê lâu dài tại Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là lô đất vàng, với khoảng 5.000m2 ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung, quận 1 (TP.HCM). 2 trong số 4 bất động sản khác đang trong quá trình làm thủ tục để cấp sổ đỏ, gồm trên 900m2 ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) và trên 6.500m2 mặt đường Đào Duy Tùng, Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội.
Đó chính là nguồn vốn lớn, cần được đem ra định giá chính xác và khiến giá trị cổ phiếu của hãng cao gấp nhiều lần hiện nay. Tuy nhiên, khi có chủ trương cổ phần hãng thì các thủ tục hành chính cấp sổ đỏ các bất động sản dường như bị làm chậm lại một cách khó hiểu, khiến công luận hiểu lầm hãng không có tiềm lực nào đáng kể về mặt tài sản…
Mặt khác, hãng phim là một thương hiệu lớn quốc gia và quốc tế (qua các giải thưởng…), không thể đánh đồng với các sản phẩm công nghiệp.
Cạnh đó, trong đơn thư kiến nghị, các nghệ sĩ khẳng định: Hãng chỉ nợ tiền thuê đất (khoảng 4,5 tỷ đồng) và không có món nợ nào mới về sản xuất phim ngoài khoản vay không tính lãi từ nhiều năm trước (2 tỷ đồng). Và nói hãng phim nợ 90 tỷ làm nhiễu loạn thông tin trên công luận, khiến xã hội hiểu lầm.
Các nghệ sĩ cũng cho biết, khi tiếp xúc với nhà đầu tư chiến lược, họ đã không thể trả lời được nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển hãng phim trong tương lai.
“Quá trình cổ phần hoá cần được công khai và có lộ trình, đủ để các nhà đầu tư nhìn thấy khả năng phát triển và giá trị thương mại của hãng phim trên cơ sở đất đai và nguồn nhân lực quý giá. Cũng trong lộ trình này, các nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của hãng đều phải trình được đề án phát triển và được phản biện công khai, thấu đáo bởi các chuyên gia trong ngành và các chuyên gia kinh tế, các luật sư”, bản kiến nghị nêu.
9 nghệ sĩ đề nghị tạm dừng việc cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam với đối tác là Công ty Vận tải đường thủy. Đề nghị thay Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay. Cần sự tiếp xúc đầy đủ giữa nhiều thành phần, nhiều cơ quan hữu quan để trả lời câu hỏi: Cổ phần hóa Hãng phim để làm gì?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận