Showbiz

Nghệ sỹ Đức Hải nói gì về hài miền Nam?

22/01/2017, 07:22
image

Nghệ sĩ Đức Hải được biết đến với hình ảnh một người nghệ sĩ đa tài từ diễn viên, đạo diễn, giảng viên...

dien-vien-duc-hai-ban-chuyen-khi-vo-hoi-xuan

Nghệ sĩ Đức Hải.

Nghệ sĩ Đức Hải được biết đến với hình ảnh một người nghệ sĩ đa tài từ diễn viên, đạo diễn, giảng viên... Anh cũng là một trong số ít nghệ sĩ Bắc thành danh tại sân khấu trời Nam.

Nói “hài Nam nhảm, hài Bắc trí tuệ” là xưa rồi!

Những ngày đầu chuyển vào TP HCM sống và làm việc, anh có bị sốc khi thị hiếu khán giả trong này một trời, một vực với khán giả Bắc?

Tôi không sốc! Tôi có sự chuẩn bị tốt về thần kinh, tâm lý. Năm 2000 tôi định hướng rõ ràng, tôi vào Nam dạy học. Còn mục đích sâu xa đi diễn, để chờ khi nào người ta mời cát-sê cao thì mình mới đi. Còn nếu đi giá thấp ngay từ đầu, thì tự nhiên từ đó sẽ bị giá thấp, tôi không ham vội. Tôi tập trung vào dạy học.

Thời gian này dạy học, tôi suy ngẫm quan sát theo thị hiếu của mọi người, từ đó tìm ra một tiếng nói chung chứ không phải diễn theo lối rất Bắc, mà cũng không diễn theo kiểu rất Nam. Tôi kết hợp để khán giả cả Bắc và Nam đều chấp nhận được. Khi diễn ở miền Bắc, tôi sẽ diễn kiểu miền Bắc, tuy nhiên, điều cốt yếu phải đem đến sự mới lạ. Ví dụ, trong tiết mục của tôi được tác động bởi nhiều yếu tố, âm thanh, ánh sáng, để mang lại cảm xúc của khán giả.

Anh nhận thấy hài Bắc và hài Nam khác nhau thế nào?

Trước đây, đúng là người Nam họ thích xem hài mà không phải suy nghĩ nhiều. Tại vì văn hóa vùng miền, nhu cầu và quan điểm như vậy. Nhưng bây giờ nhu cầu của khán giả đã thay đổi nên nghệ sĩ cũng phải thay đổi. Ai không làm được sẽ bị đào thải.

Hài miền Nam bây giờ cũng cần có sự sâu sắc và thông điệp, nghĩa là chất lượng tác phẩm rất được chú trọng. Sân khấu miền Nam đã dần thay đổi, tiến bộ. Nếu vẫn còn nhận xét hài miền Nam nhảm thì đó là định kiến, phải bỏ tiền đi xem hài kịch cả hai miền mới kết luận được. Tôi đã vào Sài Gòn 16 năm nay, hài kịch trong Nam bài bản, quy mô, từ nội dung đến hình thức.

Thiên hướng chuộng hài trí tuệ và sâu sắc được thay đổi do đâu?

Nếu mọi người chăm chỉ xem các game show hài của miền Nam sản xuất sẽ thấy chất lượng ngày càng được nâng cao, thậm chí rất tốt. Khi tôi làm huấn luyện viên của một số cuộc thi hài, tôi và các đồng nghiệp cũng đặt ra tiêu chí hài là phải sạch sẽ, trí tuệ và đòi hỏi kỹ năng cao của người nghệ sĩ.

Thiên hướng khiến họ làm tốt là do khán giả định hướng, yêu cầu tiêu chuẩn hay từ nội dung đến hình thức. Các công ty, nhà tổ chức đua nhau sản xuất chương trình hay. Giờ nói hài Nam là hài nhảm, hài Bắc trí tuệ là xưa rồi.

Theo anh, vì sao sân khấu miền Bắc ngày càng ít người đi xem trong khi sân khấu hài Nam vẫn ổn định lượng khán giả?

Sân khấu miền Bắc đã có một thời gian được gọi là đỉnh cao vào những năm 1980. Khi đó, kịch miền Bắc phát triển rầm rộ. Khán giả xếp hàng đi mua vé xem kịch, thậm chí phải mua vé trước 3 ngày mới có chỗ. Chúng tôi biểu diễn không chỉ ở Hà Nội mà còn lưu diễn ở các địa phương trên khắp đất nước. Thời đó, người người, nhà nhà đi xem kịch miền Bắc, chứng tỏ khán giả miền Bắc rất nhiệt tình với sân khấu.

Nhưng sau đó, các loại hình giải trí phát triển, sân khấu bắt đầu khó khăn. Người dân Hà Nội mất thói quen đi xem sân khấu và tôi cũng không biết từ đâu. Họ chỉ chờ nhận được vé mời mới đi chứ không còn bỏ tiền ra mua vé như trước. Nhưng thời gian gần đây, tôi thấy có sự thay đổi, những chương trình đáng “đồng tiền bát gạo”, họ vẫn đi xem như thường.

Cùng đó, miền Nam có nhiều điều kiện để phát triển sân khấu, trong đó có hài kịch, hơn miền Bắc. Thứ nhất, dân số Sài Gòn đông hơn Hà Nội. Do vậy, giả dụ 10% dân số của Sài Gòn đi xem kịch sẽ đông hơn 10% của Hà Nội. 

Thứ hai, thời tiết của Sài Gòn thuận lợi hơn. Mưa ào cái là hết, không mưa phùn, mưa rả rích như miền Bắc. Người miền Nam hình thành phản xạ rất tự nhiên, mua vé là mua chứ không sợ hôm nay mưa gió hay ngày mai rét mướt. Miền Bắc, nếu mưa rét có thể người dân cũng ngại đi hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói là, miền nào cũng có nhu cầu thưởng thức hài kịch và đó là nhu cầu có thật dù mỗi miền một khác.

Nghệ sĩ miền Nam rất đầu tư cho tiết mục, đi diễn luôn có màn hình LED, sân khấu chuẩn, vũ đạo cũng phải theo yêu cầu. Nhiều người sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng để đầu tư trang phục. Họ rất cầu thị, tiến bộ và đó là lý do họ có thể đi xa trên con đường nghệ thuật.

Tôi cảm thấy mình may mắn

Định cư tại Sài Gòn đã 16 năm, anh cũng vừa thăng chức. Công việc này có khiến anh giảm show diễn nhiều không?

Đầu tháng 10 vừa qua, tôi được bổ nhiệm giữ chức Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Khoa nghệ thuật của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch. Tôi đã thực hiện công việc giảng dạy về nghệ thuật từ khá lâu nên không có quá nhiều sự thay đổi.

Tuy nhiên, ở vị trí hiện nay, công việc của tôi nhiều hơn gắn với đó là trách nhiệm cao hơn. Kể từ khi nhận được quyết định, tôi cũng đã suy nghĩ về việc tìm ra hướng đi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của trường. Theo tôi, muốn đào tạo được những nghệ sĩ giỏi thì phải có những người thầy giỏi, nên tôi đã mời một số nghệ sĩ có tên tuổi để giảng dạy và truyền đạt cho sinh viên.

Anh có thấy mình giống người đàn ông “N in 1” không. Vừa chăm con, vừa làm thày giáo, quản lý, nghệ sĩ chạy show, anh sắp xếp thế nào?

Tôi không chỉ là nghệ sĩ mà còn là giảng viên, làm người bố, nên 5h sáng tôi phải dậy để đưa con đi học, rồi đi dạy. Sau khi dạy xong về đi tập tiết mục rồi tối đi diễn. 3 việc vào người, vừa làm bố, vừa làm thày, vừa làm nghệ sĩ. Ngày 24 tiếng, nên tôi thu xếp tốt mọi việc, lâu ngày thành thói quen.

Tôi thường hay nói với các học trò của mình, tài năng chưa đủ, sự duyên dáng chưa đủ, đẹp chưa đủ, nỗ lực, chưa đủ, giàu có bệ đỡ chưa đủ mà còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn nữa. Không chỉ nghệ thuật mà còn nhiều ngành nghề khác nữa. Tôi cảm thấy mình may mắn.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.