Bà con dân tộc háo hức nghe CSGT huyện Sìn Hồ tuyên truyền ATGT |
Tờ mờ sáng chủ nhật 17/1, trong cái lạnh 7 độ C, các chiến sỹ CSGT và cán bộ Ban ATGT huyện Sìn Hồ, Lai Châu xuyên màn sương muối giăng kín khắp các con đường chông chênh ghềnh đá có mặt tại bản Phăng Sô Lìn để kịp lúc phiên chợ mở cửa. Theo định kỳ hàng tuần, hôm nay huyện Sìn Hồ tổ chức tuyên truyền Luật GTĐB cho bà con ngay tại phiên chợ.
Đến chợ nghe tuyên truyền
Hôm nay, vợ chồng anh Chẻo A Sếnh lên chợ huyện sớm hơn hàng ngày vì được nghe trưởng bản thông báo có các cán bộ Ban ATGT và CSGT huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật TTATGT cho bà con và tặng sách hướng dẫn. Anh Sếnh nói: “Hôm nay, vợ chồng tôi dậy sớm lên phiên chợ vừa để bán hàng, vừa để nghe cán bộ giáo dục. Bản thân tôi là thày giáo dạy tiểu học trong bản nên cũng muốn đến sớm để học hỏi cán bộ cách chuẩn bị, cách nói và xin tài liệu về lớp để tuyên truyền lại cho các em”.
8h, khi chợ vào lúc đông người nhất, Thượng tá Phạm Thúc Khảo, Phó trưởng Công an huyện Sìn Hồ nói to, rõ ràng vào loa: “Alô! Xin chào bà con. Tôi là cán bộ CSGT huyện Sìn Hồ, muốn cùng bà con trò chuyện về cách tham gia giao thông an toàn”.
“Khi người tham gia giao thông hiểu luật, chấp hành đúng luật, thì TTATGT vùng sâu vùng xa mới được đảm bảo, TNGT mới được kiềm chế và giảm dần. Do đó, trực tiếp tuyên truyền pháp luật TTATGT cho bà con dân tộc trong các bản làng vùng sâu, vùng xa là công việc hàng tuần của lực lượng CSGT Lai Châu”. Đại tá Nguyễn Văn Luy |
Lời chào của cán bộ CSGT vừa cất lên, xung quanh mọi người lặng im, dần tập trung về khu vực tuyên truyền. Thượng tá Khảo đại diện Tổ công tác nhanh chóng phổ biến tới bà con các nội dung pháp luật TTATGT như: Đã uống rượu bia là không lái xe; Đi xe máy phải đội MBH; Thế nào là biển cấm đi ngược chiều, biển báo nguy hiểm đi qua đường đèo dốc; Vì sao phải lắp gương chiếu hậu; Khi nào phải giảm tốc độ để an toàn… Sau đó, các cán bộ CSGT huyện trao tận tay bà con những cuốn sổ tay nhỏ phổ biến Luật Giao thông và tỉ mỉ hướng dẫn mọi người đọc hiểu và tuân theo.
Theo Thượng tá Phạm Thúc Khảo, phiên chợ là nơi bà con các thôn bản tập trung đông để trao đổi, mua bán các mặt hàng tiêu dùng, để giao lưu, gặp gỡ nhau sau một tuần lên nương. Vậy nên, nhiều năm qua, Đội CSGT huyện luôn chọn các phiên chợ để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Giao thông tới bà con. “Với bà con, nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, thậm chí sử dụng tiếng dân tộc Mông, Dao để bà con tiếp thu nhanh hơn”, Thượng tá Khảo cho hay.
Vừa nghe cán bộ CSGT giải thích về các quy định, điều luật, vợ chồng anh Chẻo Xì Páo (bản Xăng Tăng Ngai 2) cũng như bà con có mặt ở phiên chợ tỏ ra rất vui vẻ và hài lòng. Anh Páo chỉ tay vào tấm biển nền đỏ, có nét gạch ngang trong cuốn sổ mà “lên lớp” với vợ: “Đây là biển báo cấm đi một chiều. Cán bộ bảo thế, mẹ nó nghe và làm theo nhé!”.
Dựa vào người già, trưởng bản
Sau khi phổ biến xong nội dung ATGT tại phiên chợ, Tổ công tác còn vào tận nhà bà con để thăm hỏi, động viên và tuyên truyền pháp luật TTATGT đến các cụ già, con nhỏ. Tổ công tác gửi gắm những người có tiếng nói trong gia đình để răn dạy, chỉ bảo con cái thực hiện tốt pháp luật TTATGT.
Cụ Tần Mý Gấn (83 tuổi, bản Xăng Tăng Ngai 1) nói: “Nghe cán bộ CSGT nói chuyện về pháp luật TTATGT, già ưng cái bụng. Trước đây, nhờ ơn Đảng và Bác Hồ, bà con không phải chết trong tay giặc. Nay, nhờ có cán bộ ATGT hướng dẫn, giáo dục luật pháp, bà con sẽ an toàn hơn khi ra đường. Trong gia đình, già vẫn luôn dạy bảo con cháu phải tôn trọng luật pháp để gia đình được ấm no, hạnh phúc”.
Đại tá Nguyễn Văn Luy, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, tuyên truyền ATGT cho bà con vùng cao, ngoài việc phải có phương thức, nội dung tuyên truyền phù hợp; chọn thời điểm bà con không lên nương rẫy, tập trung đông như chợ phiên thì còn phải biết dựa vào người có uy tín trong vùng, trong hộ gia đình để có tiếng nói ủng hộ.
“Các cán bộ CSGT về bản tuyên truyền Luật Giao thông luôn tìm đến trưởng bản trước tiên để xin ý kiến ủng hộ, để trưởng bản tập hợp bà con nghe cán bộ tuyên truyền. Khi trưởng bản có tiếng nói đồng tình thì bà con mới nghe, mới làm theo”, Đại tá Luy cho biết.
Theo Đại tá Luy, đã có lần Tổ công tác vượt hơn 60km đường đất đá gập ghềnh để đến bản nhưng không có người dân nào tập trung. Hỏi trưởng bản thì nhận được câu trả lời: “Ta chưa gọi thì họ không đến. Cán bộ cứ vào uống mấy chén rượu rồi ta quý, bà con thương thì sẽ đến nghe cán bộ nói”.
“Nghe vậy, tôi xin được uống với trưởng bản một ly rượu và xin ở lại bản một đêm với bà con. Ngay trong tối, trưởng bản mời nhiều người đến chơi với cán bộ nên tất cả quây quần bên bếp lửa hồng uống rượu. Tôi tranh thủ nói chuyện về giao thông và nhận thấy bà con tập trung lắng nghe. Biết bà con đã thương mình, tôi cố gắng tuyên truyền những nội dung cơ bản về ATGT cho bà con ngay bên hũ rượu và ánh lửa bập bùng”, Đại tá Luy nhớ lại.
Sau những chén rượu, trưởng bản đã “phát lệnh” ngày mai bà con tạm nghỉ lên nương, tất cả đến nhà ông để nghe cán bộ nói chuyện. Sáng hôm sau, hàng trăm người trong bản đã có mặt từ rất sớm để nghe các chiến sỹ CSGTnói chuyện.
“Tuyên truyền về ATGT cho đồng bào dân tộc phải mềm mỏng, dễ hiểu. Như với quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia, thay vì nêu ra các điều, khoản luật định thì cán bộ chỉ cần nói với bà con: “Điều khiển xe khi đã uống rượu bia thì sẽ bị phạt tiền, dễ gây ra tai nạn chết người”; Hay “Đội MBH để không bị phạt tiền”...”, Đại tá Luy chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận