Lưu lượng khách hàng không Mỹ đang dần hồi phục
Ngành hàng không Mỹ đang đối mặt với một nghịch lý - lưu lượng khách bắt đầu tăng sau một thời gian dài tê liệt vì dịch bệnh nhưng lại đối mặt với tình trạng phải cắt bớt chuyến, thay đổi lộ trình do thiếu nhân sự.
Thiếu nhân sự, hãng bay phải điều chỉnh hoạt động
Khoảng trung tuần tháng 6, lượng khách của ngành hàng không Mỹ đạt 2 triệu lượt/ngày, gần về mức của năm 2019, theo dữ liệu của Cơ quan An ninh vận tải Hoa Kỳ.
Song, thay vì hân hoan tăng cường hoạt động, nhiều hãng hàng không như American Airlines lại phải hủy hơn 400 chuyến bay trong cùng thời gian trên, theo dữ liệu chuyến bay của FlightAware. Thậm chí, hãng dự kiến còn phải hủy thêm 50 chuyến/ngày cho đến giữa tháng 7 này, tổng cộng là hơn 1.200 chuyến.
Giải thích về thực trạng trên, hãng American Airlines cho biết, thực trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là phi công trong khi nhu cầu bay tăng quá nhanh là một vài yếu tố chính buộc hãng phải linh hoạt điều chỉnh lịch trình bay trong thời gian từ tháng 6 đến giữa tháng 7.
Hãng bay lớn nhất thế giới (xét về lượng khách/số dặm vận chuyển) khẳng định, đã nỗ lực giảm thiểu tối đa tác động tới khách hàng bằng cách điều chỉnh linh hoạt ở các thị trường có đa dạng lựa chọn.
Do đó, hành khách đã đặt chuyến vẫn cần chuẩn bị tâm lý phải điều chỉnh lại vé, đặt sớm hoặc muộn hơn so với ban đầu hoặc đổi tuyến thông qua một sân bay khác.
Nguy cơ khách phải “gánh” giá vé cao
Tình trạng thiếu hụt phi công xảy ra là bởi trong quá trình đối phó với lưu lượng khách bay sụt giảm vì dịch bệnh, nhiều hãng hàng không đã phải cắt bớt nhân sự, cho nhân viên nghỉ không lương, đẩy mạnh các chương trình về hưu sớm trên quy mô lớn.
Để xoay xở với cuộc sống, nhiều nhân viên hàng không đã chuyển việc sang làm lái xe tải, kho vận... Những phi công chấp nhận nghỉ việc từ đầu khủng hoảng có thể nhanh chóng chuyển sang các công việc cùng ngành như vận tải hàng hóa, làm cho các hãng cho thuê máy bay tư nhân, giáo viên hướng dẫn bay...
Ngành hàng không Mỹ đã nhận được 48 tỷ USD trong gói hỗ trợ tài chính vì dịch bệnh. Tuy nhiên, các hãng bay của nước này vẫn kêu gọi thêm trợ cấp để có thể duy trì chất lượng nhân sự cho phép nhân viên có thể đáp ứng nhu cầu bay ngay khi nhu cầu vận tải tăng trở lại.
Nhưng nếu nghỉ việc đúng thời điểm dịch nặng nhất, khi hàng loạt nhân sự bị cắt giảm, không ít phi công đã phải cạnh tranh rất khốc liệt để tìm công việc thay thế có chế độ tốt.
Một số người bất đắc dĩ phải chuyển sang lái xe tải, làm trong ngành khai thác mỏ hoặc vận tải đường sắt...
Một người từng là phi công và giáo viên hướng dẫn bay (26 tuổi, đã có 1 con) chia sẻ: “Trường bay tôi từng làm việc đã phải đóng cửa trong khi nhiều trường khác đã phủ đầy nhân sự từ các phi công vừa nghỉ việc. Do đó, những người trẻ non kinh nghiệm như tôi có rất ít cơ hội tìm việc cùng ngành. Cuối cùng, tôi đã chuyển hướng hoàn toàn sang làm trợ lý quản lý của công ty bán lẻ Lumber Liquidators vì tôi còn gia đình và con nhỏ, không thể ngồi chờ đợi công việc phi công”.
Mặt khác, trong lúc cạn kiệt tài chính, các hãng hàng không cũng phải cắt giảm các hoạt động đào tạo và sắp xếp cho phi công bay luân phiên để duy trì năng lực.
“Do đó, khi nhu cầu bay phục hồi, ngành hàng không lại đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự dày dạn kinh nghiệm, trống nguồn nhân lực thay thế”, theo ông Bob Mann, nhà phân tích hàng không đến từ công ty tư vấn hàng không R.W. Mann & Co.
Chưa kể, để các phi công đã nghỉ dịch thời gian dài có thể trở lại làm việc, các hãng phải mất thêm thời gian và chi phí đào tạo mới có thể đưa nhân sự trở lại đường bay.
Ngoài việc bất tiện từ thay đổi chuyến, các chuyên gia còn dự báo, khách hàng có thể phải chịu giá vé tăng cao.
Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất từ Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy, giá vé máy bay đã tăng 10% trong tháng 4, tiếp tục tăng 7% trong tháng 5.
“Dự kiến, mức giá tiếp tục giữ đà lên cao và đạt đỉnh vào tháng 7, tháng 8 - thời điểm mùa du lịch hè”, nhà phân tích Mann dự đoán.
Nhận định về xu hướng này, anh Adam Pilarski, một nhà tư vấn công nghiệp đang làm việc tại công ty tư vấn hàng không Avitas cho biết: “Việc bơm tiền trợ cấp đồng nghĩa dẫn tới lạm phát. Đặc biệt, trong ngành hàng không, xu hướng này sẽ được cảm nhận rất rõ rệt”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận