Theo Bộ GTVT, quy định của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 63/2019 của Chính phủ, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đến nay đã hết hiệu lực.
Tại Quyết định số 1579/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một số khu bến cảng biển đã quy hoạch các bến cảng, công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu.
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng, phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu biển của Việt Nam.
Để góp phần thúc đẩy "phát triển đội tàu biển với cơ cấu hợp lý", "phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu" theo định hướng tại Nghị quyết số 36/2018 của Ban Chấp hành TW Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu, góp phần phát triển vận tải biển, kinh tế hàng hải và kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải VN chủ trì phối hợp SBIC và các cơ quan liên quan (gồm các doanh nghiệp đóng tàu) rà soát hiện trạng, tổng hợp nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất quy hoạch các bến cảng, công trình phục vụ đóng mới, sửa chữa tàu trong Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
SBIC được yêu cầu khẩn trương rà soát hiện trạng các cơ sở, hạ tầng, kế hoạch sản xuất kinh doanh phục vụ đóng mới, sửa chữa tàu, đề xuất phương án quy hoạch phát triển, mở rộng đối với từng doanh nghiệp trực thuộc, gửi đầy đủ thông tin và phối hợp chặt chẽ trong quá trình Cục Hàng hải VN thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận