Bén duyên từ tuyến đầu chống dịch
Chị Thủy sinh năm 1995, là bác sĩ tại Cần Thơ. Anh Thiên là chiến sĩ công an, hiện đang học tiến sĩ chuyên ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. Tại thời điểm tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, họ cùng nhau là những tuyến đầu chống dịch tại Cần Thơ.
Anh Thiên có đam mê về văn hóa Việt, anh thường đến các di tích lịch sử và nghiên cứu sâu xa về cổ vật và các giá trị mà cha ông ta đã để lại. Ban đầu, chị Thủy thầm nghĩ anh Thiên sẽ không phải tuýp người lãng mạn mà mang chút phần “cổ truyền” không phù hợp với mình.
Nhưng cặp đôi đã nhanh chóng bắt sóng với nhau với sở thích du lịch, khám phá và trải nghiệm. “Bên anh, chị đã được nghe, được cảm những câu chuyện lịch sử, những tinh hoa văn hóa dân tộc khiến chị cảm thấy rất hào hứng”, chị Thủy chia sẻ.
Sau khi dịch bệnh có phần được kiểm soát, cặp đôi đã về chung một nhà và cùng nhau có những bộ ảnh cổ phục để đời.
Mượn cổ phục, mong mỏi lan tỏa văn hóa lịch sử Việt
Những năm gần đây, trào lưu chụp ảnh cưới và sử dụng trang phục cưới bằng cổ phục Việt đang dần lên ngôi khi thế hệ trẻ ngày một quan tâm đến nguồn cội.
Nhật bình và ngũ thân tay thụng
Trong đó phải kể đến trang phục nhật bình với màu sắc bắt mắt đã được sử dụng gần như nhiều nhất. Nhưng liệu rằng cổ phục của Việt Nam ta chỉ có mỗi nhật bình hay còn vô vàn những trang phục tinh xảo khác?
Là những con người yêu văn hóa lịch sử, anh Thiên chị Thủy đã cùng nhau sử dụng cổ phục Việt cho ảnh cưới của mình. “Anh muốn có chút gì đó để đời cho con cháu, vì đất nước mình đẹp lắm. Anh và chị muốn cùng nhau làm sống lại những cổ phục của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam vì mỗi vùng miền nó có cái nét đặc trưng riêng.”
Những cổ phục đã được cặp đôi sử dụng của những triều đại nhà Nguyễn, nhà Lê, nhà Trần,.... Địa điểm chụp ảnh của cặp đôi là những di tích lịch sử Chùa Thầy, Đình So, Hoàng Thành Thăng Long,...
Chị Thủy trong trang phục ngũ thân tay chẽn
“Nhiều năm trước đây, những người đam mê cổ phục vốn chỉ là những nhóm nhỏ khi xã hội còn chưa quan tâm nhiều đến lịch sử. Mỗi một nền văn hóa muốn di thật xa ta phải đi qua những trải nghiệm. Ví dụ như với nền ẩm thực, cách nhanh nhất để tiếp cận là nếm.
Vậy tại sao chúng ta không mặc lên những trang phục đầy tinh hoa mà ông cha ta để lại để nhớ, đê lan tỏa văn hóa, để nhớ sử một cách dễ dàng, không sáo rỗng giáo điều?”, anh Thiên chia sẻ về bộ ảnh đặc biệt của mình.
Cặp đôi trong trang phục viên lĩnh và giao lĩnh
Trong khi đó, chị Thủy giãi bày: “Khi tôi mặc những bộ cổ phục này, nhiều người không biết, họ hỏi sao mặc cái gì trông như "lên đồng". Mọi người đã vốn chỉ quen với tà áo dài trong đám cưới mà quên đi mất sự tồn tại của những trang phục truyền thống khác. Nhưng may mắn rằng gia đình cũng như bạn bè thân thiết của chúng tôi đều rất ủng hộ ý tưởng này và cho anh chị những nguồn năng lượng tích cực để thực hiện. Bản thân tôi rất tự tin và vui vẻ khi mặc cổ phục, nó đẹp, đẹp cả về hình thức và ý nghĩa.”
Trong tương lai, cặp đôi còn có thêm những dự định như về Huế chụp trang phục nhà Nguyễn hay những dự án kết hợp với các đơn vị khác để mong muốn được lan tỏa niềm đam mê cổ phục nói riêng và văn hóa lịch sử nói chung đến thế hệ trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận