Đứng chung hạng với những "ông lớn" như TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh… về thu hút vốn FDI quả là kỳ tích với Ninh Thuận.
Đây là tỉnh xưa nay xếp hạng nghèo nhất nước, khí hậu khô và nóng, đất đai cằn cỗi, lại bị kẹp giữa hai tỉnh phát triển hơn rất nhiều về mọi mặt là Khánh Hoà và Bình Thuận, nên không chỉ tôi mà nhiều người Ninh Thuận cũng ngỡ ngàng.
Chín tháng, Ninh Thuận thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 37 lần so với năm trước! Câu hỏi bật ra ngay trong đầu tôi là: Ninh Thuận đã làm gì, có điều kiện gì để thu hút được lượng vốn FDI tăng 37 lần như vậy? Nhà đầu tư tìm thấy cơ hội gì ở đây?...
Có thể nói, hạ tầng giao thông là yếu tố đầu tiên. Khi cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đưa vào khai thác dịp 30/4, Ninh Thuận có 63km cao tốc đi qua với 3 nút giao lớn: Du Long, Phan Rang và Thuận Nam.
Ngoài ra, còn có nhiều dự án giao thông kết nối khác, trong đó có dự án đường nối 14km từ cao tốc và quốc lộ 1 thông với Cảng biển tổng hợp Cà Ná. "Song kiếm hợp bích", thủy bộ kết hợp tương hỗ cho nhau là lợi thế lớn trong logistics mà không phải tỉnh thành nào cũng có được.
Đường sá kết nối, ngoài vận chuyển hàng hóa còn khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch rất đặc trưng của Ninh Thuận.
Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp đẳng cấp quốc tế Amanoi ở vịnh Vĩnh Hy – Núi Chúa là một ví dụ. Đang có nhiều dự án bất động sản du lịch triển khai ở Ninh Thuận với những tên tuổi lớn: Vinpearl, T&T, Crystal Bay… và các dự án ngàn tỷ, hứa hẹn tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Ninh Thuận hiện có 42 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 34 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn gần 1 tỷ USD. Các dự án có vốn lớn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…
Về năng lượng tái tạo thì khỏi bàn, Ninh Thuận đang là vương quốc năng lượng sạch, hướng đến NetZero vào 2050 và thu lợi nhiều về bán tín chỉ carbon. Thu ngân sách Nhà nước của khối FDI 5 năm 2019 – 2024 đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Tín hiệu rất tốt nhưng người dân Ninh Thuận không phải là những người dễ tính. Anh Nguyễn Đức Dự, Chủ tịch HĐQT Công ty công nghệ Thành Tín, có trụ sở ở TP Phan Rang, nói: "Ninh Thuận nay đã có các yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển so với trước, lọt vào top 10 thu hút FDI cũng là vinh dự. Nhưng giữ hạng được hạng mới khó. Muốn giữ được hạng hoặc thăng hạng thì yếu tố cần nhất là con người, là chính sách".
Theo anh, đó là hệ thống hành chính phục vụ phải thông thoáng, năng động, tận tâm, chuyên nghiệp và đáp ứng được nhu cầu của người dân, của nhà đầu tư. Ngoài ra, quyết tâm và tầm nhìn của những người lãnh đạo chính quyền trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh là cực kỳ quan trọng.
Tại một hội thảo khoa học về quy hoạch tỉnh mới được tổ chức, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đã xác định rất rõ tầm quan trọng về con người: ngoài 3 khâu đột phá (nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ) và 2 động lực phát triển (kinh tế biển, kinh tế đô thị) thì hạt nhân phát triển của tỉnh nhà chính là yếu tố con người, nhân lực.
Ngẫm đi ngẫm lại, Ninh Thuận lọt vào top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI và đứng chung với tầm cỡ ông lớn như TP.HCM, Đồng Nai… quả là thành tích rất ấn tượng. Đây là chỉ dấu rút ra thông điệp: Tỉnh nghèo như Ninh Thuận làm được thì các tỉnh khác đều làm được, nếu biết kết hợp cơ hội và nỗ lực tự thân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận