Một số loại đồ ăn có nồng độ cồn, chỉ nên lái xe sau khi ăn 30 phút
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, không chỉ rượu, bia là đồ uống có cồn cũng gây dương tính trong hơi thở. Điển hình như nước uống hoa quả lên men, sôcôla, thức ăn có nguồn gốc tinh bột, đường (hoa quả), nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài có thể lên men… Một số loại thuốc siro, cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng… cũng có lượng cồn nhất định.
TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho hay, một số loại trái cây rất phổ biến và được nhiều người ưa dùng như: vải, sầu riêng, nho, xoài, dứa… cũng chứa nồng độ cồn cao hơn các loại trái cây khác. Đó là do các loại trái cây trên chứa hàm lượng đường rất cao. Khi để ở môi trường không khí dễ bị lên men, dẫn đến hiện tượng đường hóa rượu vừa nhanh và nồng độ cũng cao.
Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến thức ăn cũng có nhiều món thêm rượu như 1 thứ gia vị, mặc dù là lượng rất nhỏ. Chẳng hạn: Món cá hấp bia, thịt bê sốt rượu Marsala, các món thịt hầm không có rượu sẽ mất hương vị thơm ngon. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải đun kĩ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi pha chế.
"Mọi người nên lưu ý khi ăn những đồ ăn thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15-30 phút mới tham gia giao thông", BS. Nguyên khuyến cáo.
Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia cho biết, việc sử dụng một số loại trái cây cũng dẫn tới kết quả có nồng độ cồn trong hơi thở, có thể gây nhầm lẫn trong việc xử phạt người tham gia giao thông. Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh, các sản phẩm thực phẩm để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.
Cũng theo bà Trang, trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Luật, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được. Với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt.
Trong quy định của Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định có hiệu lực từ 1/1/2020, tất cả người điều khiển phương tiện, kể cả xe đạp, xe máy nồng độ cồn đều phải bằng 0.
Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Cụ thể, người đi xe đạp có nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt mức từ 400.000 - 600.000 đồng.
Đối với người đi ô tô, nếu sử dụng rượu bia mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng và thu GPLX 2 năm.
Đối với xe máy trước đây cao nhất chỉ phạt 3 - 4 triệu nhưng hiện nay được nâng mức phạt lên 8 triệu và thu GPLX 2 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận