Xã hội

Ngoại giao vaccine giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD

30/11/2022, 20:23

Chiến dịch ngoại giao vaccine đã giúp "xoay chuyển tình thế", đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong tiêm vaccine.

Ngoại giao vaccine COVID-19 thành công, giúp Việt Nam xoay chuyển tình thế

Chiều 30/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine.

Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vaccine, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo triển khai chiến lược vaccine. Trong đó, ngoại giao vaccine là một trong ba trọng tâm.

img

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vaccine (Ảnh: Nhật Bắc)

Chiến dịch ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt, thần tốc, thành công vượt kỳ vọng, được cộng đồng quốc tế và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Kết quả, về vaccine, đến ngày 27/4/2021, Việt Nam mới có 320 nghìn liều vaccine viện trợ của COVAX; đến tháng 10/2021, nước ta đã tiếp nhận trên 97,5 triệu liều; đến hết năm 2021 đã tiếp nhận khoảng 192 triệu liều.

Đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều. Trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỉ đồng).

Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2.000 tỉ đồng).

Về thuốc điều trị, ta đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất để phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.

Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, ta thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 5 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.

Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vaccine đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp "xoay chuyển tình thế", đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vaccine.

Việt Nam một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược từ ứng phó sang chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất ở khu vực.

Từ một nước có tỉ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỉ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới.

"Thành công của công tác ngoại giao vaccine có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt", ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Việt Nam đã tiêm hơn 264 triệu mũi vaccine

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngoại giao vaccine trở thành một "mặt trận" rất quan trọng vì có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng phòng dịch COVID-19 lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 29/11/2022, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu mũi; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã 91,5%.

Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dung đa dạng các loại vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tỉ lệ bao phủ vaccine trên cả nước cao, song tại một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm….

Nhân hội nghị này, Bộ Y tế đề nghị các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lãng phí vaccine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.