Đường bộ

Ngồi nhà biết cầu hỏng, đường xuống cấp

Chỉ cần nhấp chuột, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN sẽ biết được hiện trạng của từng cây cầu, tuyến đường.

img

Với hệ thống quản lý tài sản đường bộ trực tuyến, dữ liệu cầu, đường sẽ được số hóa, thuận tiện trong quản lý của Tổng cục Đường bộ VN

Thay vì phải xuống tận hiện trường, với hệ thống quản lý tài sản đường bộ trực tuyến, chỉ cần nhấp chuột, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN sẽ biết được hiện trạng của từng cây cầu, tuyến đường.

Nhấp chuột biết tình trạng cầu, đường

Tổng cục Đường bộ VN vừa chính thức nhận bàn giao hệ thống quản lý tài sản đường bộ từ Ngân hàng Thế giới (WB) để quản lý, khai thác.

Nằm trong khuôn khổ dự án Quản lý tài sản đường bộ (VRAPM) do WB tài trợ, sau 4 năm xây dựng, phần mềm quản lý tài sản đường bộ cơ bản hoàn thành mục tiêu với dữ liệu tình trạng cầu, mặt đường và 32 tài sản tích hợp.

Hơn 20 năm qua, dịch vụ tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống quản lý tài sản đường bộ tại Việt Nam chưa được thực hiện đầy đủ. Thành công của hệ thống là sự cố gắng, hợp tác, chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ VN, đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 3.
Bà Trần Thị Minh Phương, Giám đốc dự án VRAMP của WB


Phần mềm được kết nối với hệ thống quản lý mặt đường và hệ thống quản lý cầu được xây dựng trước đó. Hệ thống sẽ hỗ trợ Tổng cục Đường bộ VN quản lý điều hành, báo cáo, tích hợp các hệ thống thông tin; hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì hàng năm. Người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu thông tin.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đến nay, Tổng cục Đường bộ VN đang quản lý hơn 25.000km quốc lộ.

Với số lượng công trình đường bộ ngày càng nhiều và có kết cấu phức tạp, đòi hỏi việc quản lý tài sản phải chuyên nghiệp. Vì thế, việc xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ với cơ sở dữ liệu lớn, đồng bộ khoa học là yêu cầu cấp thiết.

“Trong khuốn khổ dự án VRAMP, Tổng cục Đường bộ VN đề xuất các nội dung thực hiện đồng bộ việc thu thập dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ. Mục tiêu là xác định khung cơ sở dữ liệu bao gồm các dữ liệu hữu ích, phù hợp cho quản lý trực tuyến; thực hiện thu thập tài sản đường bộ bao gồm dữ liệu cầu, tình trạng mặt đường và dữ liệu của 32 loại tài sản khác; xây dựng phần mềm quản lý tài sản đường bộ”, ông Toàn cho biết.

Ông Bhoj Rai Pantha, Phó giám đốc Công ty TANAKA Nhật Bản - tư vấn dự án chia sẻ, tốc độ tăng trưởng đường của Việt Nam cao hơn Nhật Bản 3,5 lần nên việc có hệ thống quản lý và hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì là cần thiết.

Hệ thống đã xây dựng được cơ sở dữ liệu toàn diện gồm 34 loại tài sản cầu và mặt đường. Hiện, dữ liệu 25.000km quốc lộ và hơn 4.000 cây cầu đã được thu thập đầy đủ và cập nhật lên hệ thống.

Cũng theo ông Bhoj Rai Pantha, trong hệ thống quản lý tài sản đường bộ, quan trọng nhất là xây dựng được phần mềm quản lý trực tuyến các tài sản. Đây là hệ thống quản lý trực tuyến, có hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt phục vụ tra cứu thuận tiện.

Đặc biệt, lần đầu tiên hệ thống của Việt Nam hỗ trợ được lập kế hoạch bảo trì, trong khi phần mềm của nhiều nước chưa có chức năng này. Tất cả tài sản đường bộ sẽ được hiển thị trên bản đồ nền tương tự Googlemap.

Người dùng, có thể tìm được tất cả các tài sản quan tâm như: Tuyến đường, cầu, cống, rãnh, biển báo, cọc tiêu… ở vị trí nào, do ai quản lý, tình trạng của tài sản thế nào, phục vụ quản lý và người dân.

“Hệ thống xây dựng mô hình xuống cấp của tình trạng mặt đường, cầu, dự báo xuống cấp này sẽ được dùng để lập kế hoạch bảo trì và kết quả bảo trì phần mặt đường, cầu sẽ được cung cấp tích hợp với kết quả bảo trì các tài sản khác. Từ số liệu thu thập có thể lập kế hoạch bảo trì, tích được lượng ngân sách cần thiết cho bảo trì tài sản đường bộ”, Bhoj Rai Pantha cho biết.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc dự án cho biết, cập nhật vào hệ thống có thể biết được một cây cầu nào đó nằm ở đâu, do ai quản lý, tình trạng cầu thế nào.

Hệ thống cũng quản lý trực tuyến mặt đường, biết được đường ở đâu đang tốt, ở đâu đang xấu, ở đâu cần sửa chữa. Đây là định hướng tốt cho khu vực cần ưu tiên sửa chữa bảo trì. Bên cạnh đó, hệ thống cũng quản lý trực tuyến các tài sản còn lại như hộ lan, biển báo, cống, rãnh, hầm, phà.

“Hệ thống giúp cho các đơn vị quản lý đường dễ dàng cập nhật dữ liệu.Trước đây, việc thu thập dữ liệu cầu đường làm thủ công, lập thành hồ sơ giấy gửi về Tổng cục Đường bộ VN. Đến nay, việc nhập dữ liệu được thực hiện trực tiếp trên phần mềm, báo cáo được xuất ra từ hệ thống có thể biết được có bao nhiêu km đường bê tông nhựa, bao nhiêu km đường bê tông xi măng hay đá dăm láng nhựa, cấp đường, bao nhiêu cầu và loại cầu. Trên mỗi km đường biết được có những tài sản gì, vị trí nào và thông tin chi tiết tài sản đó. Có thể tìm kiếm tình trạng của tuyến đường cần quan tâm ở từng vị trí cụ thể. Tương tự, muốn biết được tình trạng cầu có thể truy cập và gõ tìm hiểu cụ thể về cầu. Những thông tin này chỉ cần bằng click chuột có thể biết được, phục vụ quản lý Tổng cục mà không cần chờ báo cáo của đơn vị cấp dưới”, ông Lâm cho biết.

Bảo trì đường bộ sánh vai với các nước phát triển

Ở góc độ người sử dụng, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV cho rằng, phần mềm sẽ giúp cho các Chi cục quản lý đường bộ quản lý, vận hành tuyến đường tốt hơn. Trước đây, việc thống kê báo cáo về thực trạng cầu đường, đơn vị quản lý trực tiếp phải làm thủ công qua sổ sách.

“Có phần mềm, đơn vị lập kế hoạch chỉ cần truy cập hệ thống in báo cáo là xong. Nhiệm vụ của các Cục, chi cục nhập chính xác số liệu, phản ánh đúng tình trạng cầu đường”, ông Thành nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, cùng với sự phát triển của xã hội, việc quản lý bảo trì đòi hỏi phải kịp thời, nắm rõ thông tin về số lượng, chủng loại, giá trị, hiện trạng, chất lượng tài sản để nhanh chóng đưa ra giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, đảm bảo công khai, minh bạch.

Hệ thống quản lý tài sản đường bộ là công cụ quan trọng để đạt được các yêu cầu này. Khi được quản lý, vận hành bằng hệ thống, công tác bảo trì đường bộ của Việt Nam tương đương với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hệ thống quản lý tài sản đường bộ được xây dựng với sự tài trợ của WB góp phần thay đổi cách thức quản lý tài sản thủ công trước đây sang quản lý bằng dữ liệu số, chuyển đổi cách thức quản lý của Tổng cục Đường bộ VN từ báo cáo giấy sang dữ liệu số.

Nguồn dữ liệu cho phép tổng hợp, tìm kiếm, phân loại khoa học theo thời gian lịch sử. Bên cạnh đó, giúp thống nhất nguồn dữ liệu chính xác giá trị tài sản, hỗ trợ xây dựng kế hoạch nguồn vốn bảo trì đảm bảo minh bạch, công khai.

“Hệ thống cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý, trước mắt sẽ kết nối với hệ thống quản lý tài sản công, trục cơ sở dữ liệu quốc gia. Sau thời gian ngắn vận hành sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp miễn phí, cung cấp các thông tin. Việc xây dựng thành công hệ thống quản lý tài sản đường bộ là cách tiếp cận của Tổng cục chuyển sang mô hình Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số hướng đến đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến với các cơ quan Chính phủ, cung cấp dịch vụ công miễn phí cho người dân và doanh nghiệp”, ông Huyện nói.

Cũng theo ông Huyện, hệ thống tài sản đường bộ đã được số hóa, vấn đề còn lại là quản lý, khai thác sao cho công khai, minh bạch. Việc cập nhật nuôi sống hệ thống là trách nhiệm của từng công chức, từng người quản lý đường bộ.

Tổng cục đã yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục phải biết cập nhật dữ liệu lên hệ thống và phải qua sát hạch. Nếu cán bộ nào không cập nhật, không duy trì được hệ thống phải dời khỏi Tổng cục.

“Sau một vài năm khi đã làm thuần thục lập kế hoạch bảo trì bằng hệ thống sẽ chỉ tập trung làm công tác hậu kiểm, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Hệ thống là cơ sở để số hóa, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử”, ông Huyện cho biết.

Công khai, minh bạch, ngăn chặn việc “khai khống”

Hệ thống quản lý tài sản đường bộ là công cụ hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì đường bộ. Hệ thống có hình ảnh của tài sản, tình trạng của tài sản để hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì, nguồn vốn cụ thể dành bảo trì cầu đường. Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục cũng kiểm tra được tính chính xác của lập kế hoạch, có “khai khống” hay không, cầu đường chưa hỏng đã lập kế hoạch sửa chữa.

Mỗi hư hỏng, khối lượng đều được ước lượng dựa trên hình ảnh minh chứng cho hư hỏng và giá trị hư hỏng. Việc này sẽ giảm thiểu đáng kể lập các đoàn đi kiểm tra lập kế hoạch bảo trì hàng năm. Phân khai vốn bảo trì được công khai, minh bạch, xác minh tính đúng đắn của kế hoạch bảo trì.

Không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà người người dân và doanh nghiệp có thể truy cập tìm hiểu theo nhu cầu, tra cứu về tốc độ khai thác của từng tuyến đường cụ thể. Tìm hiểu thông tin tốc độ cho phép của từng tuyến đường hay tuyến đường nào hạn chế tải trọng, được phép khai thác với tải trọng bao nhiêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.