Thống kê của Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN (VMRCC), 9 tháng đầu năm, trung tâm đã nhận được 238 vụ báo nạn. Trong đó, có 214 vụ báo nạn thật, chiếm gần 90% và 24 vụ báo nạn giả, chiếm hơn 10%.
Đáng chú ý, trong 214 vụ việc báo nạn thật, số vụ tàu cá vẫn chiếm phần lớn với 153 vụ (chiếm 71%).
Nhận định về việc tàu cá luôn chiếm phần lớn trong các vụ tai nạn, ông Vũ Việt Hùng, Phó giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN cho biết, nhiều tai nạn lao động xảy ra một cách đáng tiếc đối với ngư dân. Những tai nạn này có thể tránh được nếu không chủ quan và được cảnh báo kịp thời.
Do thiếu nhân lực đi biển, nhiều chủ tàu đi tìm các lao động ở các vùng nông thôn, miền núi thuê về để lao động trên các tàu cá. Họ không được trang bị kiến thức về sự rủi ro, khó khăn khi đánh bắt thủy hải sản, đi biển nhưng không biết bơi, không quen mang áo phao.
Đại diện VMRCC, tàu cá bằng mọi biện pháp cần liên lạc với các tàu xung quanh, với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam thông qua các Đài thông tin duyên hải trên tần số 7903kHz, hoặc có thể liên lạc với Bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư hoặc với các cơ quan chức năng có liên quan gần nhất để được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Đại diện VMRCC lưu ý khi phát thông tin báo nạn, bà con lưu ý ưu tiên cung cấp một số thông tin chính như: Tên tàu, vị trí hiện tại của tàu, tình trạng tai nạn, số người trên tàu. Nếu điều kiện cho phép thì cung cấp thêm các thông tin khác như thời tiết tại khu vực như thế nào, điều kiện kỹ thuật của tàu, trang thiết bị thông tin liên lạc, trang thiết bị cứu sinh hiện có...
Đối với trường hợp phát hiện tàu cá bị nạn hoặc nhận được thông tin yêu cầu cứu nạn từ tàu cá khác, các tàu biết thông tin phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và đồng thời nhanh chóng thông báo cho Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam thông qua các đài thông tin duyên hải trên tần số 7903 kHz hoặc các đài thuộc Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất trên tần số sóng ngày 9339 kHz và sóng đêm 6973 kHz và phải chấp hành sự chỉ đạo, điều động của cơ quan tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Khi trên tàu có người gặp vấn đề sức khỏe mà tàu không thể xử lý được, thuyền trưởng liên hệ ngay về bờ cho các cơ quan chức năng. Đội ngũ trực canh tìm kiếm cứu nạn tại các đài bờ luôn sẵn sàng 24/24h tiếp nhận thông tin về tai nạn, sự cố, phối hợp với đội ngũ bác sĩ y tế 115 tại các địa phương để triển khai tư vấn y tế, hướng dẫn các lao động trên tàu sơ cấp cứu y tế ban đầu.
Đại diện VMRCC cũng cho biết, trong trường hợp tình trạng của người bệnh có biến chuyển không tốt, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, lực lượng chức năng sẽ căn cứ trên tình hình thực tế để huy động lực lượng cứu nạn khẩn cấp và đưa người dân về bờ cấp cứu.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho các tình huống tai nạn lao động, tăng khả năng chữa trị kịp thời cho người bị thương, bị bệnh trên biển, ngư dân được khuyến cáo nên chuẩn bị sẵn sàng trên tàu cơ số các loại thuốc cơ bản để sử dụng khi gặp vấn đề về sức khỏe trên biển, bao gồm các loại thuốc hạ sốt, kháng viêm, kháng sinh; thuốc giảm đau; thuốc tiêu hóa; thuốc sát trùng; các trang thiết bị sơ cấp cứu y tế như bông, băng gạc y tế, nẹp…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận