Ông Trần Huấn, trường hợp đầu tiên của Thừa Thiên-Huế được BIDV giải ngân vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67 |
Mới dừng ở bước “gặp nhau”
Tại xưởng đóng tàu bên Âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), ông Trần Huấn (46 tuổi, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) tất bật cùng cánh thợ thuyền đóng mới con tàu gỗ “khủng” dài 23,5m; rộng 6,6m; cao 2,8m.
“Tàu hoàn thành sẽ có công suất 1.300 CV, tốc độ đạt 13 hải lý/h, có thể chở tối đa 50 tấn hàng đông lạnh, 30 tấn dầu, đá, gạo phục vụ cho các tàu đánh bắt xa bờ tại các vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa”, ông Huấn nói. Đây được xem là chiếc tàu hậu cần nghề cá vỏ gỗ lớn nhất của ngư dân miền Trung, đồng thời là tàu đầu tiên của Thừa Thiên-Huế vừa được Ngân hàng BIDV chính thức giải ngân hơn một tỷ đồng, tương đương 50% nhu cầu vay vốn sau hơn 40 ngày xét duyệt.
Hộ ông Phan Văn Chinh (Phú Lộc) vui mừng cho biết vừa được Ngân hàng AgriBank huyện Phú Vang cho vay khoảng 4 tỷ đồng trong tổng kinh phí 7 tỷ đồng đóng mới tàu cá 740CV.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế cho hay, cả chính quyền địa phương, ngân hàng cùng xét duyệt hồ sơ, trường hợp được vay vốn là ngân hàng giải ngân ngay. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương được đánh giá “năng động” triển khai NĐ67 này, cũng chỉ mới có hai hồ sơ được xét.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tiến Đông, đến giữa tháng 12, các NHTM triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ phát triển thủy sản mới giải ngân được 22 tỷ đồng. Hiện còn 40 bộ hồ sơ nữa các tổ chức tín dụng đang tích cực triển khai. |
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, dọc các tỉnh thành miền Trung, số hồ sơ phê duyệt đóng mới, nâng cấp tàu cá lẹt đẹt, đếm trên đầu ngón tay.
Tại Quảng Ngãi, tỉnh này phê duyệt 25 tàu (23 tàu đóng mới, hai tàu nâng cấp) nhưng hiện chỉ một cá nhân và một doanh nghiệp ký được hợp đồng vay vốn. Số còn lại “dài cổ” chờ hoàn thành thủ tục.
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, tỉnh mới chuyển quyết định 31 hộ được phê duyệt hơn một tuần nhưng hiện ngư dân và ngân hàng mới chỉ “đang gặp nhau”.
Ở Bình Định, theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, tuần tới sẽ thông báo cho 36 trường hợp vay tiền đóng tàu (14 tàu sắt, 3 tàu composite, còn lại tàu gỗ). Tương tự, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết địa phương đang gấp rút triển khai các thủ tục cho 10 trường hợp (đợt 1) để các hộ ngư dân sớm được vay vốn theo NĐ67.
Lúng túng đợi mẫu chuẩn
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho rằng, việc chậm triển khai NĐ 67 ở các địa phương bởi số đăng ký chủ yếu là tàu vỏ gỗ, trong khi Bộ NN&PTNT chưa công bố thiết kế mẫu chuẩn. “Chúng tôi đang chuẩn bị hội thảo để ngư dân biết, chọn mẫu tàu vỏ thép”, ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, địa phương chỉ có 47 chỉ tiêu nhưng số lượng đăng ký lên đến hơn 180 trường hợp, rất khó sàng lọc. Thành phố mới ban hành quy định tiêu chí lựa chọn, trình tự thủ tục và hiện nay các tổ chức, cá nhân đang làm hồ sơ để nộp tại các phường...
Nhiều địa phương cho rằng, việc Bộ NN&PTNT chậm công bố các mẫu tàu chuẩn vào cuối tháng 11/2014 khiến ngư dân, ngành chức năng gặp khó. Trong khi, quy trình xét duyệt hồ sơ phải có sự rà soát từ cấp xã đến tỉnh, các tổ tư vấn…
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp cận, làm việc với ngư dân và hoàn thành công tác thiết kế dự toán trong vòng 20 ngày đối với tàu vỏ gỗ và 30 ngày đối với tàu vỏ thép. Được biết, để đẩy nhanh giải ngân, các ngân hàng Quảng Ngãi cũng sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình xét duyệt hợp đồng từ địa phương, các cấp xã, huyện.
Thông tin từ BIDV, hiện việc triển khai NĐ67 đang được đẩy mạnh tại 39 chi nhánh BIDV tại các tỉnh ven biển. Theo ông Hùng, về thủ tục không khó khăn lắm, nhưng ngư dân chưa muốn chuyển qua máy mới để sử dụng máy cũ rẻ hơn.
Duy Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận