Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho TP.Đà Nẵng.
Tại đây, Thứ trưởng Thủy nhấn mạnh, Đà Nẵng cần xây dựng phương án khai thác du lịch gắn với phát triển văn hóa di tích danh lam thắng cảnh đặc biệt quan trọng này với các di tích khác của thành phố và các tỉnh khác. Đồng thời, Đà Nẵng tạo điều kiện để Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan.
Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1980. Sau gần 40 năm, người dân Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn đã giữ gìn, nâng cấp danh thắng này. Đây cũng là nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa lịch sử mà cha ông xưa đã dày công gây dựng và trao truyền lại cho đời sau.
Thay mặt nhân dân Đà Nẵng, ông Thơ cho biết kể từ thời điểm này, các giá trị văn hóa lịch sử liên quan đến danh thắng lịch sử Ngũ Hành Sơn sẽ được tổ chức nghiên cứu thật bài bản, chuyên nghiệp và có hệ thống, nhằm làm tiền đề giáo dục truyền thống văn hóa sâu sắc hơn. Đồng thời khẳng định việc trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử cũng như những dự án phát triển kinh tế, khuếch trương du lịch trên địa bàn sẽ được tiến hành nghiêm túc hơn.
Tên Ngũ Hành Sơn có từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn - Mộc Sơn - Thủy Sơn - Hỏa Sơn - Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.
Ngoài ra, người dân địa phương còn gọi cụm núi này với những cái tên như: hòn Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay - vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có 5 ngón cắm xuống đất).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận