Phạm tội "gây rối trật tự nơi công cộng" hoặc tội "vô ý gây thương tích"
Liên quan đến vụ cổ động viên bắn pháo sáng trên sân vận động Hàng Đẫy trong trận bóng đá giữa Hà Nội FC và Nam Định tối 11/9, khiến chị Tô Huyền Anh (34 tuổi, công tác tại báo Nhi Đồng) trọng thương và một Thiếu uý CSCĐ phải nhập viện, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Có thể xử lý nhóm cổ động viên này tội gây rối trật tự công cộng. Tức là hành vi vi phạm quy tắc xử sự được đặt ra cho mỗi công dân ở nơi công cộng, xâm phạm tình trạng ổn định trong sinh hoạt chung của xã hội. Là các hành vi xâm phạm đến con người, đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ hoặc xâm hại đến quyền sở hữu và diễn ra tại nơi công cộng.
“Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng…”, Luật sư Diệp Năng Bình nói và cho hay: Khi xác định hành vi gây rối trật tự cần phải phân biệt với hành vi tuy có gây rối trật tự công cộng nhưng đã cấu thành một tội khác thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà họ đã thực hiện, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) lại cho rằng: Cần phải xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, vì vậy khi có đủ căn cứ cơ quan chức năng sẽ khởi tố về Tội vô ý gây thương tích nếu thương tích từ 31% trở lên.
“Nếu thương tích của nạn nhân từ 31% trở lên sẽ khởi tố vụ án về tội vô ý gây thương tích hoặc tội gây rối trật tự công cộng nếu hậu quả được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” - Luật sư Đặng Văn Cường nói và phân tích: Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc cổ động viên sử dụng pháo để cổ vũ bóng đá, bởi vậy việc cổ động viên mang pháo vào sân vận động là một hành vi vi phạm, hành vi sử dụng pháo gây mất an ninh trật tự, gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Khó xác định pháo sáng là pháo hoa hay pháo nổ
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Thông thường người dân hay gọi là pháo sáng khi mang vào đốt trong sân vận động, tuy nhiên dưới góc độ pháp lý thì pháo chia làm hai loại chính là pháo hoa và pháo nổ. Pháo sáng ở sân vận động thường là pháo hoa và cũng có thể được xác định là pháo nổ đối với một số trường hợp gây ra tiếng nổ. Việc xác định là pháo hoa hay pháo nổ rất quan trọng, liên quan đến chế tài áp dụng là hình sự hay chế tài hành chính đối với những người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép.
Trước đây, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng tất cả các loại pháo bởi vậy hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo đều bị xử lý hình sự về tội mua bán hàng cấm.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2017 thì chỉ có “pháo nổ” mới thuộc danh mục hàng cấm, còn pháo hoa và các loại pháo khác không thuộc danh mục hàng cấm. Do đó, người buôn bán, vận chuyển pháo nổ vẫn bị xử lý hình sự, nhưng vận chuyển, buôn bán pháo hoa và các loại pháo khác không bị xem xét xử lý hình sự.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định pháo nào là pháo hoa, pháo nào là pháo nổ cũng không dễ dàng, phần lớn các loại pháo này nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Ngoài ra, có những loại pháo phát sáng và còn gây tiếng nổ nên rất khó định hình xác định là pháo hoa hay pháo nổ để xem xét áp dụng chế tài hành chính hay hình sự đối với người sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ các loại pháo này.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, tránh tình trạng bùng phát buôn bán, vận chuyển lậu pháo hoa, đồng thời đảm bảo yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử không bỏ lọt tội phạm, ngày 22/12/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình đã ký Công văn số 390/TANDTC-PC gửi Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp hướng dẫn về việc xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán pháo hoa nổ. Theo đó, TANDTC cho rằng hiện nay pháp luật chỉ quy định về “pháo nổ”, “pháo hoa”, chưa có quy định về “pháo hoa nổ”. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa hay pháo nổ.
Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ đối tượng sử dụng pháo gây thương tích cho cổ động viên và loại pháo gì để có các hình thức xử lý cho phù hợp. Trong trường hợp loại pháo này được xác định là pháo nổ thì người mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép loại pháo này sẽ bị xử lý hình sự về tội sản xuất buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015. Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào số lượng pháo sản xuất mua bán mà hình phạt có thể lên đến mức cao nhất là 15 năm tù.
Trong trường hợp không xác định được loại pháo sử dụng là pháo nổ, không xác định được người sản xuất, mua bán thì không xử lý được hình sự về hành vi này. Tuy nhiên đối với hành vi sử dụng pháo gây thương tích cho người khác thì tùy vào cuộc vào thương tích của nạn nhân mà người vi phạm có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội vô ý gây thương tích ...
Liên quan đến vụ việc trên, tối ngày 12/9 trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho hay, hiện cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cũng đang tiến hành truy xét các đối tượng để điều tra xác minh làm rõ, đồng thời truy tìm đối tượng bắn pháo sáng để xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận