Nuôi dưỡng tình yêu và đam mê với xe đạp trong hơn 50 năm, bỏ ngoài tai những lời gièm pha, chế giễu, ông Chai Lin (67 tuổi, thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) đã gây dựng cho mình bộ sưu tập xe đạp cổ hơn 1.300 chiếc và tự bỏ 200 triệu nhân dân tệ (tương đương 703 tỷ VNĐ) xây bảo tàng rộng hơn 18.659m2 chỉ để trưng bày xe đạp.
Bên ngoài bảo tàng xe đạp tại Cam Túc. Ảnh: Trip.com
Tình yêu hơn 50 năm với chiếc xe 2 bánh
Theo Tân Hoa Xã, ông Chai Lin có tình yêu mãnh liệt với xe đạp từ những năm 60 của thế kỷ trước khi chứng kiến những chiếc xe 2 bánh di chuyển trên đường phố Lan Châu.
Thanh niên trẻ lúc đó cảm tưởng, người ngồi trên xe như đang được bay và vô cùng thích thú. Kể từ đó, Chai Lin nuôi giấc mơ sở hữu một chiếc xe đạp để được phiêu lưu trên đường phố.
Xe đạp mang theo những ký ức quý báu và độc nhất. Tôi rất mong có thể mở rộng quy mô bảo tàng, xây nhà cho những chiếc xe đạp của tôi.
Ông Chai Lin
Thời điểm ấy, xe đạp vẫn là món đồ xa xỉ với dân thường Trung Quốc.
Đến năm 1979, dù đã kiếm nhiều tiền hơn các bạn cùng lứa nhưng nếu muốn mua một chiếc xe nội địa chỉ bằng tiền lương, Chai tính toán phải tiết kiệm, cắt giảm hết các khoản chi tiêu bên ngoài trong 4 tháng mới đủ.
Để có tiền mua xe sớm hơn, Chai đã dùng tài năng thư pháp và vẽ tranh đã học từ năm 6 tuổi để kiếm tiền trên đường.
Sau bao nỗ lực và sự giúp đỡ của gia đình, người thanh niên trẻ đã mua được một chiếc xe của Anh thương hiệu Raleigh với giá 880 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu VNĐ) vào năm 1980.
Cả gia đình Chai coi đây như báu vật. Mẹ Chai còn may một tấm choàng chống bụi cho xe và nâng niu xe đến nỗi ít khi dám mang xe ra đi.
Xe đạp trưng bày bên trong bảo tàng
Sau này, khi trở thành doanh nhân và đủ tiền mua xe máy, ô tô hạng sang, Chai Lin vẫn giữ tình yêu với xe đạp. Ông bắt đầu sưu tập xe theo tên tuổi và thương hiệu khác nhau, đặc biệt là xe cổ, từ khắp nơi trên thế giới, thông qua đấu giá hoặc nhiều cách khác.
Niềm đam mê và thú vui này cũng mang đến cho ông không ít khó khăn. Để tham gia đấu giá xe cổ ở nước ngoài, vì khác biệt múi giờ, ông Chai Lin đã thức đêm để kịp giờ tham dự.
Một vấn đề khác mà ông gặp phải đó là lời gièm pha của bạn bè, người thân. Nhiều người thắc mắc và chỉ trích vị doanh nhân thừa tiền, đưa “sắt vụn” về nhà, dùng tiền vào việc vô ích. Song, bản thân ông Chai không bao giờ bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác.
Trong mắt người đàn ông đến từ Lan Châu, những chiếc xe mà ông thu thập đại diện cho sự phát triển của văn minh công nghiệp toàn cầu.
Chẳng hạn như một chiếc xe đạp của Nhật mà ông sưu tầm được là minh chứng cho quá trình nước này xác lập tiêu chuẩn cho hoạt động sản xuất thủ công. Tất cả các chi tiết trên xe từ con ốc 4mm đến bánh xe và lốp… đều được làm theo đúng thông số, tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Xây bảo tàng 18.659m2 vẫn không đủ trưng bày
Một chiếc xe đạp cổ được trưng bày trong bảo tàng của ông Chai Lin. Ảnh: Trip.com
Tính đến nay, ông Chai đã sưu tầm tổng cộng 1.300 chiếc xe đạp, trong đó có 100 chiếc do Nhật sản xuất. Tất cả đều là “báu vật” của các nhà sưu tập xe đạp trên toàn cầu.
Năm 2009, nhờ có sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Cam Túc, vị doanh nhân đã đầu tư 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 703 tỷ VNĐ) xây bảo tàng dành cho xe đạp, theo Tân Hoa Xã.
Sau 10 năm nỗ lực, Bảo tàng Xe đạp Sanmu Cam Túc, tại thành phố Lan Châu chính thức mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ tháng 1/2019.
Nửa năm 2021, đã có 900.000 lượt khách tham quan bảo tàng xe đạp
Khu vực này rộng 18.659m2 lưu trữ những chiếc xe đạp cổ (có chiếc từ cách đây 200 năm) cùng 13.500 phụ kiện xe đạp, hướng dẫn sử dụng, ảnh về xe đạp…
Ngay trong nửa năm nay, nơi đây đã đón hơn 900.000 lượt khách tham quan chủ yếu là học sinh tiểu học, trung học và khách du lịch.
Dù là bảo tàng miễn phí nhưng ông Chai không ngừng nâng cấp công nghệ kỹ thuật tiên tiến để tăng trải nghiệm. Mới đây, ông đã triển khai công nghệ video thực tế ảo (VR) để khách tham quan có cảm giác như được ngồi trên những chiếc xe đạp thật.
Hiện nay, khu bảo tàng vẫn chưa đủ để trưng bày bộ sưu tập xe đạp của ông Chai nên phần nhiều xe phải bảo quản trong nhà kho. Đây là động lực để ông Chai phát triển, mở rộng bảo tàng hơn nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận