Ngày 30/7, Ban ATGT tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 7 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2020. Tại hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh An Giang đã nghiêm khắc phê bình nhiều địa phương có số người chết do TNGT tăng.
TNGT vượt ngưỡng
Theo báo cáo, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/7/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 60 vụ TNGT, làm chết 62 người, bị thương 15 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 26 vụ (tăng 76,5%), tăng 30 người chết (tăng 93,8%), tăng 2 người bị thương (tăng 15,4%). Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 55 vụ, làm chết 58 người, bị thương 15 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 66,7% số vụ, tăng 81,2% số người chết, tăng 15,4% số người bị thương. TNGT đường thủy xảy ra 5 vụ, làm chết 4 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 400% số vụ và số người chết.
Các địa phương có số TNGT tăng cao gồm: huyện Tịnh Biên (tăng 300% số vụ, 400% số người chết so với cùng kỳ), huyện Tri Tôn (tăng 300% số vụ, số người chết), TP Long Xuyên (tăng 150% số vụ, 225 % số người chết), huyện Phú Tân (tăng 166% số vụ, số người chết), huyện An Phú (tăng 66% số vụ, 75% số người chết), huyện Châu Phú (tăng 50% số vụ, số người chết).
Ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang đánh giá, 3 tháng trở lại đây, đặc biệt là sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, tình hình TNGT diễn biến phức tạp. An Giang là địa phương đứng đầu 63 tỉnh thảnh về tỉ lệ TNGT tăng.
Nói về nguyên nhân, ông Cường cho biết, có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trực tiếp đến người dân trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Ý thức chấp hành luật giao thông ở một số người điều khiển phương tiện giao thông vẫn còn rất hạn chế. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường và giao thông trên các tuyến đường khá thông thoáng, song việc đó khiến nhiều người tham gia giao thông lại chủ quan như: chạy xe quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, đi không đúng phần đường... dẫn đến TNGT; Một số tuyến đường tỉnh có mặt đường nhỏ hẹp, phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp gây nguy cơ tiềm ẩn TNGT.
“7 tháng đầu năm, An Giang xảy ra 60 vụ, làm chết 63 người, bị thương 15 người. Hội nghị lần này, chúng ta không dùng từ kéo giảm nữa mà chúng ta cần cùng nhau tìm ra những giải pháp, để không xảy ra TNGT chết người nữa”, ông Lê Việt Cường nói và thông tin thêm, trong 60 vụ TNGT, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 13 vụ, 2 vụ không khởi tố, 45 vụ đang điều tra làm rõ.
Còn theo ông Trương Hoàng Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, thời gian qua, lực lượng CSGT xử lý có đến 2.267 trường hợp chạy quá tốc độ, 1.455 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Từ đó cho thấy, tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến, đây là hành vi coi thường tính mạng người khác.
Ngoài ra, lực lượng TTGT toàn tỉnh đã giải tỏa khoảng 20.000 trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông, nhưng chỉ xử lý vi phạm khoảng 483 trường hợp, chiếm tỉ lệ rất thấp.
“Về nguyên nhân chủ quan, tôi đề nghị nhìn nhận thực tế, đó là xử lý vi phạm trật tự ATGT của các cấp chính quyền chưa được cương quyết, thiếu thường xuyên. Tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa.
Nguyên nhân khách quan, tôi bổ sung thêm đó là hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, đường nhỏ hẹp trong khi đó phương tiện giao thông lại tăng cao; Việc duy tu, dặm vá chưa được triển khai kịp thời, 1 vũng nước hai bên tránh nhau cũng gây TNGT. Đây là thực trạng, chúng ta cần phải nhìn nhận”, ông Trọng nhấn mạnh.
Cương quyết không bao che
Tại hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nghiêm khắc phê bình các địa phương gồm: TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, huyện Tịnh Biên, huyện Phú Tân, huyện Tri Tôn, huyện An Phú vì đã để xảy ra TNGT tăng cao.
“Báo cáo đã thể hiện đầy đủ, chúng ta chỉ còn làm. Vừa qua, Chính phủ đã phê bình tỉnh An Giang”, ông Lê Văn Nưng nói.
Để khắc phục các tồn tại và hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị, Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác xử lý đối với tất cả các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, kể cả những trường hợp được đưa vào bệnh viện cấp cứu, không dấu diếm số liệu “có nhiêu báo nhiêu”; Công an tỉnh, địa phương phối hợp cùng VKS, TAND tổ chức xét xử lưu động các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại địa phương để tác động đến ý thức người dân; Phối hợp đài tuyền thanh, truyền hình, báo chí, đưa thông tin các vụ TNGT đặc biệt là người vi phạm. Không bao che cho các trường hợp cán bộ, công nhân viên chức, học sinh sinh viên có hành vi vi phạm trật tự ATGT. Đồng thời phát động cho dân, cung cấp thông tin vi phạm trật tự ATGT cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.
“Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp để kéo giảm TNGT”, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận