Xã hội

Người chuyên đối mặt “tử thần” trong lòng đất

12/09/2021, 13:30

Những người cấp cứu mỏ như anh An lại lao vào, vật lộn với bùn, nước, đất đá, đối mặt “tử thần” để nỗ lực từng giây từng phút cứu người.

Mỗi khi có sự cố hầm mỏ, mọi người chạy ra, những người cấp cứu mỏ như anh An lại lao vào, vật lộn với bùn, nước, đất đá, đối mặt “tử thần” để nỗ lực từng giây từng phút cứu người.

Vụ giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) là một sự cố khó quên của người thợ cấp cứu nơi đất mỏ ấy.

img

Anh Phạm Đức An (bên trái) và đồng nghiệp trong lò sâu (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bản lĩnh thợ mỏ

Dáng người cao ráo, trắng trẻo, nụ cười hiền lành, những người mới gặp chắc khó tin anh Phạm Đức An (SN 1972, Tổ trưởng Tổ Sản xuất, Công trường Kiến thiết cơ bản 2, Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin) lại là một thợ mỏ lăn lộn với nghề, từng tham gia sự cố cứu người khó khăn ở hầm thủy điện Đạ Dâng.

Phải thuyết phục khá lâu, anh An mới chịu kể chuyện nghề, bởi theo anh, đấy là những điều “quá đỗi bình thường”. Quê anh An ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, nhà nghèo nên học xong THPT, anh khăn gói ra vùng mỏ Quảng Ninh xin vào làm công nhân Mỏ than Hà Lầm.

Thuở ấy, công nghệ khai thác hầm lò tại mỏ cơ bản là thủ công, nên rủi ro thường xuyên xảy ra với thợ mỏ. Không ít lần chứng kiến cảnh tai nạn, anh An lo lắng, rồi với sự nỗ lực học hỏi của bản thân, được công ty cho học hỏi, tập huấn kỹ năng thoát nạn, anh dần tích luỹ được kiến thức, kỹ năng cứu nạn.

Dần dần, tay nghề anh được nâng cao. Đã có thời khi nạn “than thổ phỉ” hoành hành, các “trùm than tặc” tìm đến chiêu dụ anh An về với mức lương cao ngất, nhưng anh An đều từ chối.

Nhờ tay nghề thợ mỏ mà khi lấy vợ, anh được bố mẹ vợ cho vài trăm mét vuông đất nằm chon von trên sườn đồi đầy đá tảng để làm nhà.

Vậy là vợ chồng anh đã tự đào, phá, tự đội gần 500m3 đất, đá để lấy đất làm nhà. Việc “tay không phá đá làm nhà” của anh An khiến nhiều người ngạc nhiên, ngưỡng mộ.

Cũng nhờ tay nghề ấy, anh An nhiều lần được trưng dụng tham gia tìm kiếm, cứu nạn các sự cố hầm mỏ trong và ngoài ngành. Anh vẫn nhớ, kỷ niệm ấn tượng nhất là đợt giải cứu 12 người bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tháng 12/2014). Khi đó, anh là một trong những thợ mỏ được Tập đoàn Than khoáng sản - TKV triệu tập để vào Lâm Đồng tham gia cứu nạn.

“Khu vực xảy ra vụ sập hầm là vùng rừng núi cách biệt, đi lại khó khăn. Đợt đó ban ngày mưa, ban đêm lạnh giá khiến cho công việc cứu hộ gặp muôn vàn khó khăn. Tôi có kinh nghiệm trong đào lò, nhưng điều kiện địa chất ở Đạ Dâng khác biệt hoàn toàn với các mỏ than ở Quảng Ninh. Trời mưa tầm tã, đường lò lũng bũng nước; trên trần thì nguy cơ sạt, lở luôn thường trực do khu vực này toàn cát và đá mồ côi”, anh An nhớ lại.

Sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng có 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện sập, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Với điều kiện địa chất đó, máy móc gần như không có tác dụng.

Anh An cùng các đồng nghiệp đã dùng bàn tay, cuốc xẻng thô sơ, tỉ mẩn và mải miết khơi thông bùn đất để tìm người...

Cùng tham gia cứu nạn với anh An ở sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng năm ấy, có anh Phạm Văn Hạ, Tiểu đội trưởng Đội 3, Trạm cấp cứu mỏ Hạ Long, Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin.

Anh Hạ nhớ lại, những ngày đó ở Đạ Dâng trời rét buốt, mưa không ngớt, khiến khu vực sập hầm như một túi bóng nước sẵn sàng bục ra bất cứ lúc nào.

Những “chiến sĩ cấp cứu mỏ” lội trong bùn đất, phía trên bùn và nước rơi lả tả, nguy cơ tụt đổ hầm chực chờ, nhưng họ ngày đêm xúc từng xẻng bùn đất, đào lò men, lò tránh để tiếp cận các nạn nhân.

“Đây được gọi là “con đường máu”. 80 giờ đào lò, cứu hộ, ai cũng bơ phờ, mệt mỏi, nhưng khi những người thợ thủy điện được cứu ra, chúng tôi như được đền đáp, ôm chầm lấy nhau, trào nước mắt”, anh Hạ kể.

“Lúc đó khoảng 16h, khi những tiếng hô “cứu được rồi!” vang lên, chúng tôi buông xẻng, nước mắt trào ra, những bàn tay rướm máu ôm lấy nhau oà khóc. Thì ra, mũi của lực lượng Công binh đã tiếp cận được và lần lượt đưa được tất cả mọi người an toàn ra ngoài”, anh An nhớ lại.

Tấm gương bình dị mà cao quý

img

Anh Phạm Đức An (bên trái) bàn phương án mở rộng đường trong khu dân cư với tổ trưởng tổ 5, khu 5, phường Hà Lầm

Sau những lần tham gia giải cứu sự cố, anh An lại trở về với công việc sản xuất thông thường.

Nhờ sự tạo điều kiện của doanh nghiệp cùng với tính cần cù, sáng tạo, đến nay, anh An đã có hàng chục sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa trong sản xuất được áp dụng rộng rãi, tiêu biểu như: Áp dụng cầu đường dịch chuyển đào lò đá bằng máy xúc, dùng sức nước để vận tải đá trên đường lò thượng có độ dốc nhỏ, áp dụng thành công đồng bộ thiết bị xe khoan máy xúc…

Tấm gương của thợ lò Phạm Đức An đã thực sự là tấm gương về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Anh thực sự xứng đáng là một trong những “ngọn lửa” để thế hệ trẻ trong TKV học tập,noi theo…
Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Tập đoàn TKV Nguyễn Văn Thuấn


Khoe với phóng viên việc mình cùng cộng sự đã làm chủ được công nghệ đào lò Combai do Nhật Bản chuyển giao - mô hình đầu tiên được áp dụng ở TKV, anh An xác nhận, mình vừa được vinh danh tại cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức hồi đầu tháng 6.

Trước đó, thợ lò Phạm Đức An đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và là 1 trong 3 cá nhân đại diện cho hàng nghìn thợ mỏ của TKV được gặp Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt công nhân lao động Kỹ thuật cao năm 2019 tại TP.HCM.

“Công việc hầm lò cho tôi tất cả, từ ngôi nhà này, mối lương duyên vợ chồng đến thu nhập hiện nay để nuôi hai con ăn học”, anh An tâm sự.

Được biết, từ năm 2016, anh An đã có thu nhập cao trên 300 triệu đồng/năm. Năm 2017, anh là một trong 5 thợ lò trong TKV có mức thu nhập trên 400 triệu đồng/ năm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ 5, khu 5, phường Hà Lầm, TP Hạ Long nhận xét: “Tôi gắn bó với anh An từ lúc anh ấy vào nghề đến khi tôi nghỉ hưu, nên tôi thực sự khâm phục nghị lực của anh ấy. Từ cậu thanh niên tốt nghiệp cấp 3 lơ ngơ vào đất Mỏ xin việc, giờ anh An đã là một thợ giỏi, một người sẵn sàng tham gia cứu hộ những ca khó. Anh An cũng rất nhiệt tình với công việc của địa phương, tôi đang cùng anh ấy bàn việc mở rộng tuyến đường vào khu dân cư…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.