Người dân chen chúc mua bánh mỳ
Sáng 2/4, nhiều cửa hàng bán đồ ăn, uống trên địa bàn Đà Nẵng đã đóng cửa, dù là bán hàng mang về theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng tại công văn 2089/UBND-VHXH. Tiếp đó, Sở Công thương thành phố cũng có công văn số 549 gửi các cơ quan chức năng, BQL các chợ nhắc lại nhiều nội dung tại công văn 2089 của UBND TP Đà Nẵng.
Cụ thể, tại công văn này có quy định: Đối với các cửa hàng bán ăn uống qua mạng hoặc bán mang đi, chỉ được phép hoạt động đến 0h ngày 2/4.
Nhiều hàng quán ăn uống đã đóng cửa theo lệnh. Ngược lại, các cửa hàng, tiệm bánh mì trên địa bàn thành phố lại tấp nập khách hàng, người người chen chúc nhau để mua được vài ổ bánh mỳ về ăn sáng.
Tại tiệm bánh mì T.T trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà), người đến mua bánh đậu xe máy tràn ra đường. Mới 8h sáng, chủ quán phải đặt bảng thông báo “Hết bánh mì” dù dòng người xếp hàng mua bánh mì vẫn còn dài.
Một tiệm bánh mỳ lớn trên đường Nguyễn Văn Thoại, lúc 8h30 sáng 2/4, người mua bánh và lực lượng shipper tập trung khá đông, xe máy dựng tràn ra lòng đường. Dòng người vội vã, chen chúc nhau để kịp lấy vài ổ bánh mỳ do việc ăn sáng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tương tự, một tiệm bánh mỳ khác trên đường Quang Trung (quận Hải Châu) cũng đông nghẹt người chen chúc nhau để mua bánh mỳ. Chị Hồng (người dân quận Hải Châu) cho biết, sáng nay chạy quanh Đà Nẵng để tìm ổ bánh mỳ về cho con ăn sáng nhưng mua không ra, vì nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Quán còn mở thì người dân chen chúc, tranh nhau mua.
Vì sao cấm bán qua mạng, mang về?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết, việc Sở này ban hành công văn số 549, trong đó yêu cầu các cửa hàng ăn uống bán qua mạng hoặc bán mang đi, chỉ được phép hoạt động đến 0h00 ngày 2/4 là thực hiện theo Công văn 2089 của UBND TP Đà Nẵng.
“Chỉ có 15 ngày làm việc này nên mọi người cũng phải thông cảm. Người dân mình khi mua đồ mang về cũng không giữ khoảng cách, cứ xúm vào mua nên rất sợ. Nên bây giờ chỉ có 15 ngày thì cố gắng tự mua đồ về ăn, tự nấu ăn. Chợ là nơi cung cấp thực phẩm chính nên người dân mua về tự chế biến”, ông Bắc nói.
Theo Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, việc mua thức ăn mang về còn liên quan đến đội hình shipper nữa. Mà người ship hàng thì giao biết bao nhiêu chỗ, nguy cơ lây nhiễm cao nên mới quyết định như vậy.
“Do không có người để đi kiểm soát việc ngồi đó ăn hay mang về, người mua có xếp hàng (giữ khoảng cách - PV) hay chen chúc mua. Trong khi đó chủ quán cũng không có thời gian sắp xếp khách hàng theo quy định 2 mét được”, ông Bắc cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận