Toàn cảnh cây cầu tạm
Theo phản ánh của người dân thôn Thanh Giang, xã Âu Lâu về việc nhiều năm qua họ vẫn phải đi trên cây “cầu tạm” bắc qua ngòi Lâu để sang thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên để đi làm, đi học.
Chiều 31/5, có mặt tại khu vực cầu tạm, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, cây cầu này được bắc qua ngòi Lâu có chiều rộng hơn 1 mét, dài khoảng 50 mét, chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy qua.
Trụ cao chưa đầy 2 mét, được làm bằng phên tre, nứa bên trong đổ đầy đá, mặt cầu được lát bằng những thanh gỗ nhỏ.
Trên mặt cầu đã xuất hiện nhiều lỗ thủng, mỗi khi có người hoặc phương tiện đi qua thì cầu lại rung lắc, ai chắc tay thì mới dám đi xe qua còn lại đều phải dắt bộ.
Theo người dân cây cầu này đã tồn tại từ 30 năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Nhung (70 tuổi, trú tại thôn Thanh Giang, xã Âu Lâu) trên chiếc xe cúp với nhiều đồ đạc vật dụng chuẩn bị qua cầu tâm sự, cây cầu này đã tồn tại cách đây gần 30 năm.
Hằng ngày có nhiều cháu nhỏ đi học, người dân đi làm đều phải qua cây cầu này, vì đây là tuyến đường ngắn nhất dẫn đến TP. Yên Bái. Gần đây cũng có một cây cầu khác, tuy nhiên khoảng cách đi so với "cầu tạm" này thì xa hơn 6km.
Ngày ngày người dân phải liều mình đi qua cây cầu tạm để rút ngắn thời gian di chuyển.
“Hiện tại, cây cầu mới được sửa lại, mọi đóng góp và sửa sang đều là do người dân trong thôn, mỗi nhà góp chút công, chút của. Người dân có kiến nghị lên cơ quan địa phương, tuy nhiên do gần đây vừa xây dựng cây cầu treo nên xã không đủ kinh tế để xây thêm".
Tôi cũng như bà con ở đây, rất mong Nhà nước xây cho một cây cầu chắc chắn hơn để đảm bảo an toàn giao thông khi đi qua cầu, cũng như thuận lợi trong giao lưu kinh tế văn hóa giữa các địa phương”, ông Nhung cho biết thêm.
Mặt cầu đã xuất hiện nhiều lỗ thủng.
Còn ông Đào Xuân Thắng - Trưởng thôn Thanh Giang, xã Âu Lâu cho biết: Trong thôn có hơn 50 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu thường xuyên đi lại trên cây cầu này: “Chúng tôi chỉ mong muốn có một cây cầu nhỏ kiên cố để người dân đi lại mùa mưa đỡ vất vả, năm nào người dân cũng làm cầu tạm nhưng chỉ dùng được vài tháng rồi đến mùa mưa lũ lại trôi mất”.
Người dân nơi đây luôn mong mỏi một cây cầu kiên cố
Theo ông Thắng, đã có một số trường hợp bị ngã xuống ngòi Lâu do trời tối, hoặc tay lái non. Người dân đi làm muốn đi đường khác thì xa hơn khoảng 5-6km, nhưng nếu đi qua cầu này để sang Quốc lộ 37 (xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên) chỉ chưa đầy 5 phút.
Mỗi năm dân đóng góp nhau làm cây cầu này 2 lần, kinh phí các gia đình tự đóng góp khoảng hơn 10 triệu đồng.
Trụ cầu được làm một cách tạm bợ bằng tre nứa, đổ đá bên trong.
Tuy vậy, khi PV liên hệ với lãnh đạo xã Âu Lâu, ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Âu Lâu chỉ xác nhận sự tồn tại của cây cầu này trên địa bàn mà không trả lời vì đang bận.
Còn ông Nguyễn Ngọc Trúc - Quyền Chủ tịch UBND TP. Yên Bái cho biết: Qua kiểm tra thì nhu cầu đi lại của người dân qua cây cầu này là có nhưng không nhiều, đây là lối mòn của bà con để đi sang xã Lương Thịnh (huyện Trấn Yên).
Theo ông Trúc, nếu có thêm cây cầu ở khu vực này cũng rất tốt cho việc đi lại của người dân. Tuy nhiên trên khu vực ngòi đã có một cây cầu cách xa vị trí này 6km, một cái khác đang xây và dự kiến sẽ làm thêm một cầu nữa.
"Về vấn đề ATGT, thành phố sẽ tuyên truyền cho bà con hạn chế đi qua cây cầu này. Nếu xã Âu Lâu thấy vị trí mở cầu tại điểm này thực sự có nhu cầu đi lại lớn phải làm đề xuất, TP Yên Bái sẽ xem xét, nghiên cứu để đầu tư" - ông Trúc cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận