Hạ tầng

Người dân mòn mỏi chờ tuyến đường nối Gia Phú - Mường Bo được êm thuận

"Xe cấp cứu đưa người yếu về, đến giữa đường không đi tiếp được, phải rút ống thở tại đó nên bệnh nhân tử vong giữa đường...", anh Phâu chia sẻ.

Từ phản ánh của người dân thôn Nậm Trà, Nậm Phảng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, PV Báo Giao thông đã trực tiếp đến ghi nhận tại nơi mà đường không được gọi là đường, và mong muốn của người dân sớm được đi trên con đường bê tông nhưng không biết bao giờ giấc mơ mới thành hiện thực.

img

Hình ảnh ghi nhận chỉ sau vài trăm mét đi vào tuyến đường, PV được người dân cho biết đây là đoạn đường đẹp nhất của tuyến đường

Nơi tuyến đường bắt đầu là Km42+300 Tỉnh lộ 152 thuộc thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng và kết thúc là xã Mường Bo, thị xã Sa Pa. Là tuyến đường liên xã, chiều dài toàn tuyến là 13,6km, địa hình dốc núi cao, tuyến đường có rất nhiều khe, suối cắt ngang, nên sau mỗi đợt mưa bão, tuyến đường lại thêm sụt sạt nghiêm trọng, gây ách tắc cục bộ.

Tuyến đường đi qua 2 thôn Nậm Trà, Nậm Phảng của xã Gia Phú. Đây là 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tổng 2 thôn có 240 hộ với 1305 nhân khẩu.

img

Chú Cường (một người dân xã Gia Phú) nói: "Trời mưa là nhiều người không dám đi đâu, đường đá cuội nhiều, không thể đi được, nguy hiểm lắm"

Anh Tẩn Dào Phâu (sinh năm 1979, trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) chia sẻ cùng PV Báo Giao thông: "Đường hỏng khó đi lâu rồi. Ở 2 thôn đều có người yếu, bệnh viện đưa về, đến giữa đường xe cấp cứu không đi tiếp được, phải dừng lại sau đó mất, người nhà lại đi xe máy ra đưa thi thể về.

img

Anh Tẩn Dào Phâu (sinh năm 1979, trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng)

Có người nào mà bị ốm, bị đau phải đi khám, đi cấp cứu thì phải chở 2 người ngồi sau, để người kia còn giữ người ốm, vì taxi với xe cấp cứu không vào được đường này. Chở nặng vậy mà gặp trời mưa thì phải lái giỏi lắm mới không bị ngã".

img

Anh Nguyễn Quang Hướng - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, Phó trưởng Ban phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn xã Gia Phú nói: "Khổ nhất các thầy cô giáo thôi, ngày nào cũng phải sáng đi chiều về trên con đường này, bất kể ngày gió mưa, khổ lắm anh ạ".

Gặp PV trên đường, lái xe Lù Văn Tuấn (36 tuổi, trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) cười chia sẻ: "Đây không được gọi là đường, lái xe trên đường này khổ lắm. Gia đình bảo cố gắng mua cái xe mới hơn để chở hàng cho an toàn nhưng đường mà như thế này thì không dám đầu tư, hỏng hết xe anh ạ".

img

Lái xe Lù Văn Tuấn (36 tuổi, trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng)

Anh Tuấn cũng cho biết thêm, để đi hết quãng đường 13,6km khi thời tiết đẹp, đường trong điều kiện bình thường không bị sạt lở cần phải mất hơn 1 tiếng rưỡi. Như vậy trung bình chỉ lái xe được với vận tốc dưới 9km/h. Còn khi có mưa bão thì rất khó khăn hoặc không thể đi được.

img

Đây là tuyến đường độc đạo nối từ trung tâm xã Gia Phú đi 2 thôn Nậm Trà, Nậm Phảng, đồng thời còn đóng vai trò là đường liên xã kết nối xã Gia Phú và xã Mường Bo (thị xã Sa Pa), nên hàng ngày người dân từ giáo viên, lái xe, người chở hàng, người đi chợ, khám chữa bệnh...đều phải đi qua

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Hoàng Điểu - Chủ tịch UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết: "Trước đây tuyến đường này là đường mòn, năm 2005 bắt đầu mở mới, tỉnh có đầu tư nhưng chỉ là đường cấp phối thôi. Đến năm 2016, tỉnh chuyển về cho huyện quản lý tuyến đường. Người dân đi lại khó khăn, khổ cực lắm. Chúng tôi đã đề xuất ý kiến lên cấp trên nhiều nhưng không có kết quả".

img

Hình ảnh ghi nhận chiều 26/4/2022. Xe chở đoàn công tác của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai lên tặng quà cho một trường tiểu học bị sập gầm, không thể đi tiếp được và phải gọi xe ...kéo

Ông Ngô Minh Quế - Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng trao đổi trực tiếp cùng PV Báo Giao thông: "Đúng là tuyến đường này đang xấu và đi qua 2 thôn rất khó khăn".

"Đường hiện đang là đường cấp phối. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo anh em hạ tầng huyện cùng cán bộ xã Gia Phú duy tu bảo dưỡng thường xuyên. UBND huyện cũng đã rất nỗ lực trong điều kiện còn khó khăn, ngoài vốn thường xuyên, đã bỏ thêm kinh phí của huyện để sửa chữa khắc phục những sự cố sạt lở, hư hỏng đột xuất sau mỗi đợt mưa bão.

img

Ông Ngô Minh Quế - Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

UBND tỉnh Lào Cai cũng như UBND huyện Bảo Thắng đã rất quan tâm đến tuyến đường này, nhưng do 2 năm vừa qua tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, kinh phí rất hạn hẹp. Đợt này tuyến đường đã được đưa vào danh mục đầu tư công, xây dựng mới tuyến đường đó", ông Quế nói.

>> Một số hình ảnh ghi nhận tại tuyến đường:

img

Anh Nguyễn Quang Hướng - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, Phó trưởng Ban phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn xã Gia Phú cho biết: "Vào tháng 6/2021, tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, chúng tôi phải huy động lực lượng trong 12 ngày mới thông được đường cho bà con đi lại.

img

Theo người dân, vào mùa mưa lũ, người dân muốn đi đâu phải đi trước 6h sáng, hoặc phải đi sau 9h sáng, chứ nếu không sẽ không đi được do lũ thường đổ về khoảng thời gian 6h - 9h.

img

Vào mùa mưa lũ, việc sạt lở gây nguy hiểm và ách tắc giao thông thường xuyên diễn ra. Ảnh được cung cấp bởi anh Lưu Quốc Thái - Giáo viên trường tiểu học số 5 xã Gia Phú.

img

Tổ công tác của UBND xã Gia Phú làm công tác vận động quần chúng tại thôn Nậm Phảng phải xuống đẩy xe mới đi được. (Ảnh được CTV ghi nhận tại đoạn đường đi qua thôn Nậm Phảng)

img

Bức ảnh ghi nhận con đường mùa mưa lũ, tại thời điểm này, đoàn đại biểu đi dự khai giảng tại một điểm trường nhưng không thể đi được khiến buổi khai giảng phải bị chậm 2 tiếng so với dự định.

Trước khi về, chúng tôi có dừng lại để uống cốc nước sau một hành trình "phá xe", nhiều người dân lầm tưởng PV là một cán bộ nào về để xem xét sửa đường. Trên khuôn mặt đa số thể hiện rõ sự vui mừng, nhưng cũng có một số người lại im lặng buồn không nói gì, có vẻ như họ đã quá nhiều lần hi vọng... để rồi thất vọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.