Tuyên truyền trên mọi phương tiện
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Sóc Trăng có 58,4km đi qua địa phận huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng. Công tác GPMB ở địa phương đang diễn ra thuận lợi vì nhận được sự đồng thuận cao trong người dân.
Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú cho biết, tuyến cao tốc đi qua huyện có chiều dài trên 24km. Hiện đã cắm và bàn giao 786/786 cọc bê tông. Có 567 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích trên 136ha, 63 hộ đủ điều kiện tái định cư.
Nhiều ngôi nhà khang trang ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng nhưng người dân vui vẻ khi bàn giao đất cho dự án.
“Qua lấy ý kiến, đa số bà con đồng thuận cao với dự án. Hiện huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất và tạm ứng một phần kinh phí di dời trước lễ tảo mộ cho một số hộ có mồ mả bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp quy hoạch 4 khu tái định cư với diện tích 3,87ha để người dân ổn định cuộc sống.
Để tạo sự đồng thuận trong dân, huyện rất chú trọng việc họp, lấy ý kiến người dân. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức như qua hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội (trang Fanpage, nhóm Facebook), lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, xây dựng phóng sự, tiểu phẩm, hình ảnh trực quan…
Qua đó tuyên truyền về dự án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của dự án”, ông Phú cho biết.
"Cao tốc về quê, ai cũng phấn khởi", ông Thạch Khâm nói.
Ở huyện Mỹ Xuyên, ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện cho biết, cao tốc đi qua địa bàn huyện có chiều dài hơn 12km, 473 hộ ảnh hưởng tại xã Đại Tâm, xã Tham Đôn và thị trấn Mỹ Xuyên.
Đáng phấn khởi, đa số người dân ở huyện này đã đồng thuận rất cao trong việc giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Chín Tâm, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm cho biết, xã có số hộ dân và tổng diện tích đất cần thu hồi lớn nhất của huyện Mỹ Xuyên để phục vụ dự án với 244 hộ bị ảnh hưởng, diện tích đất cần thu hồi hơn 43ha.
“Điều đáng mừng là 244 hộ dân đều bày tỏ sự ủng hộ cao khi nhận được thông báo thu hồi đất”, ông Tâm cho hay.
Bí thư - Chủ tịch huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, biết được tầm quan trọng của dự án, huyện rất quan tâm đến việc vận động người dân vì lợi ích chung. Điều đáng mừng là bà con rất đồng thuận.
Tại xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), nơi có 2,6km dự án đi qua, 96 hộ dân thuộc diện thu hồi đất với diện tích 13,1ha. Các hộ dân đều đồng tình, vui vẻ nhận thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án.
Dân đồng thuận, việc gì cũng xong
Ông Thạch Đi, Trưởng ấp Phônôcampốt (xã Tham Đôn) cho biết: “Ấp có 29 hộ dân bị ảnh hưởng, bà con ai cũng hiểu giá trị mà tuyến cao tốc này mang lại.
Họ mong được đền bù hợp lý để có cuộc sống ổn định về sau. Bản thân gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng với trên 1.000m2 đất và giải tỏa trắng nhà cửa nhưng vẫn vui vẻ hợp tác vì lợi ích chung”.
Trưởng ấp Thạch Đi trước căn nhà của gia đình sắp bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc.
Ông Thạch Khâm (77 tuổi, ngụ ấp Phônôcampốt) phấn khởi cho biết: “Khi nghe nói có đường cao tốc đi qua xã, bà con rất phấn khởi vì con đường nối vào khu công nghiệp, cảng nước sâu Trần Đề.
Có đường sẽ mở mang đời sống, con cái chúng tôi sẽ được tạo công ăn việc làm ổn định, không còn phải ly hương nữa”.
Gia đình ông Khâm bị ảnh hưởng với trên 800m2 đất và ngôi nhà đang sinh sống cũng bị mất một nửa. Nhà của hai người con ông ở gần đó cũng bị ảnh hưởng nhưng đều sẵn lòng bàn giao.
Tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên có hơn 1,5km đường thuộc dự án đi qua, 116 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay 35 hộ dân tại ấp Chợ Cũ (thị trấn Mỹ Xuyên) đã hoàn thành việc đo đạc đất đai, kiểm đếm và nhận thông báo thu hồi với tổng diện tích 7,2ha đất, còn 81 hộ đang trong quá trình thực hiện.
Bí thư - Chủ tịch huyện Mỹ Xuyên cho biết, diện tích đất và số hộ bị ảnh hưởng ở thị trấn Mỹ Xuyên không lớn. Nhưng do nằm ngay vị trí cầu vượt nên đất của nhiều hộ dân bị giảm giá trị sử dụng.
Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục rà soát thật kỹ lại từng hộ, nhất là các trường hợp chưa rõ, để áp giá đền bù phù hợp, đúng quy định, không để người dân thiệt thòi.
Ông Thạch Khâm cùng gia đình 2 người con đều có nhà đất ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc nhưng ai cũng đồng thuận việc giao mặt bằng cho dự án.
Tại huyện Trần Đề, ông Trịnh Văn Bé, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, 7 xã và 1 thị trấn của huyện có dự án đi qua, dài khoảng 25,7km. Đến nay, huyện đã nhận bàn giao 100% cọc ranh GPMB (1.144 cọc).
Về công tác đo đạc bản đồ, hiện nay đã hoàn thành 8/8 đơn vị. Huyện đã lập hồ sơ kiểm đếm được 705/706 hộ gia đình cá nhân, tổ chức, với diện tích bị ảnh hưởng 134,22 ha.
Có khoảng 100 trường hợp có nhà và mộ phần nằm trong diện tích GPMB, địa phương đang xây dựng phương án bồi thường chi phí di chuyển mộ và chi phí mua đất cải táng trước 85 mộ với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Đối với 15 ngôi mộ của người Hoa, do kết cấu phức tạp nên địa phương đã tổ chức thẩm định để đề xuất phương án bồi thường cho phù hợp.
Cũng theo ông Trịnh Văn Bé, qua rà soát, có khoảng 108 trường hợp cần xin chủ trương về xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp. Hội đồng đền bù giải tỏa đang phối hợp với các địa phương rà soát lại các cơ sở pháp lý của công trình trước khi trình xin chủ trương của tỉnh.
Huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT tổ chức triển khai thông báo thu hồi đất đến các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, chỉ đạo Phòng NN&PTNT hoàn chỉnh đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng và vật nuôi.
Đối với việc bố trí khu tái định cư, huyện Trần Đề đã tổ chức công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và lấy ý kiến đối với 7 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án với số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Các hộ đã đồng ý về phương án bồi thường và đồng ý giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận