Người biểu tình phản đối dự án kênh đào |
Dân biểu tình nói Tổng thống "bán nước”
Tuyến hàng hải này bắt đầu từ Rio Brito nằm trên vùng duyên hải Thái Bình Dương kéo dài tới cửa sông Punta Gorda - bờ biển Caribbean và có tên "Kênh Grand Interoceanic". Khi hoàn thành 5 năm tới, kênh đào dài khoảng 278 km, rộng 230 m và sâu từ 30 m trở lên, lớn hơn kênh đào Panama rất nhiều.
Hai bên bờ kênh sẽ là khu đất trống, không dân cư rộng 500 m, kéo dài suốt chiều dọc con kênh để đảm bảo an toàn. Kênh mới dự đoán sẽ tiếp nhận được cả tàu biển siêu lớn có khả năng chuyên chở 18 nghìn container. Kênh Grand Interoceanic sẽ là tuyến đường biển thứ hai nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
"Tất cả sự việc này cho thấy một bộ phận rất lớn người dân Nicaragua không thực sự được biết và tham gia ý kiến về dự án. Khởi công dự án bất chấp những cuộc biểu tình ở quy mô lớn như vậy cho thấy Chính phủ đang chơi với lửa”. Nhà kinh tế Francisco Aguire-Sacasa cựu Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Nicaragua tại Mỹ |
Hàng trăm người biểu tình đã chặn con đường cao tốc nối vùng Rivas với Thủ đô Managua bất chấp lực lượng an ninh quân sự được huy động đến trấn áp.
Ở Managua, nơi Tổng thống Ortega tổ chức riêng một lễ khởi công tượng trưng vào buổi tối, các nhà hoạt động vì môi trường đã yêu cầu ông phải cung cấp nghiên cứu khả thi của dự án.
Trước đó, 5 nghìn người biểu tình đã tập trung ở Managua trong ngày 10/12 và gọi ông Ortega là kẻ bán nước.
Dự án này sẽ ảnh hưởng cực lớn tới dân cư sống ở khu vực này, hiện tại họ chưa biết mình sẽ tái định cư ở đâu, được đền bù bao nhiêu. Ước tính có khoảng 30 nghìn người dân sẽ phải di dời, nhưng con số chính xác vẫn chưa được công bố. Các nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường - xã hội khi tiến hành xây dựng không hề được thực hiện.
Nhà báo Carlos Fernando Chamorro đặc biệt nhấn mạnh rằng, trên thực tế người Nicaragua chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự án kênh đào dù ảnh hưởng của nó vô cùng lớn: “Chính phủ đã phớt lờ hiến pháp và dùng sức mạnh quân đội để đạt được sự đồng thuận trong vấn đề nhượng quyền khai thác. Thực tế, đây là dự án để rửa tiền. Một nhóm lợi ích nhỏ hi vọng sẽ làm giàu cho bản thân từ đó”.
Đối tác bị giấu nhẹm
Doanh nhân Wang Jing (người Trung Quốc), đại diện của Công ty Viễn thông Xinwei cam kết chi 50 tỷ USD cho dự án kênh đào này. Trước đó, Nicaragua cấp cho Wang Jing giấy phép mở rộng mạng lưới điện thoại, nhưng nhanh chóng thu hồi lại vì Wang Jing không chứng minh được năng lực kỹ thuật cũng như tài chính.
Để tiến hành dự án, Wang Jing thành lập Tổ chức HKND đặt trụ sở tại Hồng Kông. Tuy nhiên, ông ta giữ kín danh tính của các cổ đông tham gia. Công ty này thuộc về một tập đoàn đăng ký kinh doanh tại quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe). Hãng luật được Wang Jing thuê để đại diện cho ông ta ở Managua cũng không cung cấp bất cứ thông tin nào về công ty. Tương tự, thông tin về hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm dự án được Tổng thống bổ nhiệm cũng rất ít xuất hiện.
Con bài chiến lược của Trung Quốc
Tháng 6/2013, Tổng thống Daniel Ortega và Wang Jing kí thỏa thuận xây dựng. Theo đó, Trung Quốc sẽ có quyền điều hành khai thác trong vòng 50 năm và có thể được gia hạn thêm 50 năm nữa. Những người phản đối dự án đều tin rằng, Wang Jing là người của Chính phủ Trung Quốc. Bởi trên thực tế, Mỹ Latin là một trong những khu vực chiến lược, đặc biệt khi quốc gia này trở thành nơi có nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu thô lớn nhất thế giới.
Kênh đào sẽ làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc khi nắm giữ một trong những điểm trung chuyển quan trọng đối với thương mại toàn cầu, lợi thế mà Trung Quốc được hưởng sẽ tương tự như lợi thế nước Mỹ khi còn khai thác kênh đào Panama.
Vấn đề càng tồi tệ hơn khi một loạt câu hỏi về dự án được đặt ra. Nếu nhìn sơ qua, có thể thấy vị trí địa lý rất lý tưởng cho việc đào kênh. Hồ Nicaragua tạo ra hệ thống giao thông thủy nội địa tự nhiên của đất nước này chỉ cách cửa sông ở Rio Brito 20 km. Nhưng nếu đào thông suốt tới biển Caribe từ phía ngược lại sẽ rất khó khăn vì đó là khu vực đầm lầy, lạc hậu, nơi người dân bản địa sinh sống. Người ta sẽ phải phá trụi hàng nghìn km2 rừng.
“Thỏa thuận nhượng quyền phá vỡ những quyền cơ bản. Chính phủ đã bán đứng người dân... Người Trung Quốc được phép sử dụng, điều hành hệ thống giao thông thủy của chúng tôi. Đó là sự vi phạm chủ quyền. Ngoài ra, hồ Nicaragua - một trong những nguồn cung cấp nước sạch quan trọng nhất của quốc gia cũng sẽ bị phá hủy”, luật sư Mónica López Baltodano nói.
Minh Hương (Theo Spiegel)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận