Ông Thanh túc trực cả ngày lẫn đêm bên cậu con trai bại liệt |
Bất hạnh chất chồng
Người đàn ông khốn khổ, tỉnh táo và khỏe mạnh nhất căn nhà ấy là Phạm Văn Thanh (SN 1961, ở khu 1, thôn Gia Áo, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, Phú Thọ). Sau khi đưa được vợ từ gầm giường nhà hàng xóm về, ông Thanh kể, cuộc đời ông là những bất hạnh chất chồng. Ngày còn trẻ, sau khi xuất ngũ trở về, ông kết hôn với một người phụ nữ ở Vĩnh Phúc. Khi hai người có một cậu con trai, người vợ đột ngột ôm con bỏ vào miền Nam. “Đến tận bây giờ, người vợ đầu của tôi vẫn chưa trở về, chỉ có cậu con trai lớn lên thì tìm về gặp bố, giờ cháu nó sống ở Vĩnh Phúc”, ông Thanh nói.
Vợ và con đột ngột bỏ đi, ông Thanh đau khổ, hụt hẫng vô cùng. Trong những ngày ấy, bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1959), vốn là cô hàng xóm gần nhà đã cận kề thăm hỏi và họ nên duyên, sinh được cậu con trai Phạm Tiến Đạt (SN 1994) và cô con gái Phạm Thị Hòa (SN 1997).
Mọi sự ủng hộ và giúp đỡ cháu Đạt xin gửi về Quỹ Chung tay vì ATGT theo số tài khoản: Báo Giao thông 115.000.106087, Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Hà Nội (ghi rõ ủng hộ cháu Đạt ở Phú Thọ); hoặc liên hệ với ông Phạm Văn Thanh, khu 1 thôn Gia Áo, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, Phú Thọ. ĐT 01698456925. |
“Hai vợ chồng tôi đều làm ruộng, ngày nông nhàn làm thợ hồ, bốc vác… kiếm thêm tiền. Hai đứa trẻ lớn lên ngoan ngoãn, khỏe mạnh khiến chúng tôi mừng lắm. Ai dè khi con bé út mới được 7-8 tuổi, vợ tôi bắt đầu phát bệnh, rồi bệnh tật ngày một nặng dần thêm…”, ông Thanh thở dài.
Thấy vợ nhớ nhớ quên quên, không làm được việc gì, hay đi lang thang, ông Thanh đưa vợ đi khắp nơi chữa bệnh. Đủ cả đông y, tây y, thậm chí cả cầu cúng nhưng bà Tâm bệnh ngày càng nặng hơn. Bà Tâm thường bỏ nhà đi lang thang, lúc ra chùa gần bờ sông trốn, khi chui trong gầm giường mấy ngày liền. Ông Thanh phải đi tìm đưa về hoặc hàng xóm, người thân thấy thì dắt về. Những lúc không đi lang thang, bà cũng chỉ ngồi thần người xem tivi hoặc thản nhiên lên giường đi ngủ, bỏ mặc ông Thanh xoay vần với cậu con trai bệnh tật và người mẹ già yếu, đã lẫn.
Xác định bệnh vợ không chữa được, ông Thanh dồn hết lực nuôi con, hy vọng chúng khôn lớn. Đạt và Hoa rất ngoan, thương bố mẹ. Năm học lớp 11, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đạt đã phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Một năm sau, Đạt xin đi học trở lại. Hết cấp 3, Đạt vào trường Trung cấp Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) rồi xin được việc ở một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) cùng em gái. Thế nhưng, vừa đi làm được 4 tháng, khoe với bố hai tháng nữa sẽ đóng bảo hiểm, thì tai họa ập đến với Đạt.
Đêm 30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Đạt uống chút rượu rồi chạy xe máy đi thăm bạn gái. Đêm tối trời mưa lạnh, có chút hơi men, Đạt tự đâm vào chiếc xe tải đỗ ven đường, bất tỉnh. Được đưa đi cấp cứu, các bác sỹ chẩn đoán Đạt bị chấn thương sọ não. Hiện, Đạt sống thực vật, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người cha già.
Khẽ lật nghiêng con trai, ông Thanh chỉ vào thân hình bắt đầu lở loét của Đạt, xót xa bảo: “Trước tai nạn, Đạt to khoẻ, Đạt là cả tương lai, cả hy vọng của gia đình tôi. Giờ con nằm liệt giường thế này đây, tôi phải hy sinh cả tính mạng mình cũng gắng cứu lấy con”.
Làm tất cả để cứu con
Khi Đạt bị TNGT, ông Thanh bán sạch tài sản trong nhà, vay mượn thêm gần 300 triệu đồng để cứu con. Suốt 6 tháng trời vật lộn ở các bệnh viện, ông Thanh cạn kiệt tiền, đành đưa con về quê. Do bộ não tổn thương nghiêm trọng, nên Đạt tuy được cứu sống nhưng hoàn toàn không biết gì, liệt toàn thân, ăn phải dùng ống xông. Hiện não của Đạt đã ký gửi ở Bệnh viện Đại học Y nuôi chờ cấy ghép sau phẫu thuật, nên phần đầu của Đạt méo mó.
“Giờ cháu về nhà nhưng mỗi tháng vẫn phải dùng các loại thuốc, riêng thuốc bổ não chi phí 8 triệu đồng/tháng; chưa kể thuốc bôi chống lở loét, thuốc kháng sinh chống viêm nhiễm, tiền ăn uống. Bác sỹ nói Đạt phải thực hiện phẫu thuật cấy tế bào não 3 lần, mỗi lần chi phí 80 triệu đồng, thì mới có cơ hội phục hồi não. Nhưng tôi chưa biết xoay tiền ở đâu để cứu con”, ông Thanh buồn rầu kể.
Cảnh nhà vốn ngặt nghèo, từ khi Đạt bị TNGT thì gia đình lâm vào kiệt quệ. Bác sỹ nói để có đủ sức khỏe phẫu thuật, ít nhất mỗi ngày Đạt phải được ăn 3 lạng thịt. “Thịt gì cũng được, nhưng tôi làm gì có tiền. Giờ Đạt cần người chăm sóc 24/24h; cứ 3-4 tiếng lại phải hút đờm một lần, rồi thay rửa, vệ sinh, cho ăn… trong khi mẹ cháu và bà ngoại đều thế kia, nên tôi chỉ chăm cháu, không đi làm ăn được gì. Nguồn thu nhập duy nhất của gia đình là tiền lương của em cháu, nó làm công nhân được hơn 4 triệu/tháng”, ông Thanh kể.
“Giờ chỉ mong cháu Đạt có thể được mổ, có cơ hội phục hồi, rồi tôi sẽ dành hết phần đời còn lại làm thuê cuốc mướn trả nợ cho con”, ông Thanh giơ cánh tay gầy guộc, cam kết.
Bà Phạm Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ thông tin, gia cảnh ông Thanh quả thực ngặt nghèo, mẹ cháu Đạt là chị Tâm bị bệnh tâm thần đã lâu, cháu Đạt nay bệnh nặng, các ban ngành đoàn thể địa phương đã xuống thăm hỏi, động viên và vận động người dân ủng hộ, giúp đỡ. Giờ chỉ mong cộng đồng cùng chung tay giúp cháu Đạt cùng gia đình thoát khỏi cơn bĩ cực này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận