PGS.TS. Nguyễn Văn Huy |
Đó là PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, là con trai út của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Dù đã nghỉ hưu 10 năm nhưng ông vẫn luôn say mê nghiên cứu và ấp ủ những dự định mới, với khát khao “để xã hội không quay lưng với bảo tàng”.
Khát khao “để xã hội không quay lưng với bảo tàng”
Kể về công việc của mình, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nói không thể không nhắc đến cha, bởi cha là người ảnh hưởng đến ông nhiều nhất, cũng là người cho ông nền tảng để bắt đầu công việc khoa học. “Nền tảng của cha tôi là tiến sĩ về dân tộc học. Ông say mê nghiên cứu lịch sử và văn hoá của dân tộc, còn việc làm bộ trưởng là trách nhiệm của một công dân được Đảng và Nhà nước giao phó.
Hiện nay, cùng với hai bảo tàng ở quê hương Lai Xá là Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, ông Huy đang ấp ủ, nghiên cứu để phát hiện các di sản văn hoá trong làng, biến làng Lai Xá thành điểm đến của du lịch. |
Tốt nghiệp đại học năm 1967, ông chuyên tâm theo đuổi lĩnh vực dân tộc học suốt từ năm đó đến năm 1995 khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học. Ông nói, dân tộc học là một lĩnh vực khoa học, nhưng làm bảo tàng lại là lĩnh vực đa ngành, vừa khoa học vừa nghệ thuật nên ông phải học thêm lĩnh vực bảo tàng này, trau dồi hiểu biết về nghệ thuật. Năm 1983, khi đang là Phó viện trưởng Viện Dân tộc học, ông được giao chịu trách nhiệm xây dựng đề án về Bảo tàng Dân tộc học, phát triển bảo tàng ấy, từ xác lập chủ trương xây dựng, xin đất, tìm nguồn vốn… Ông phải lo toàn bộ việc vận hành để ra được hình hài Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, khai trương năm 1997.
Làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học trong 10 năm, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nói đó là 10 năm với một thách thức vô cùng lớn trong bối cảnh các bảo tàng ở Việt Nam không có khách. “Bảo tàng Dân tộc học khi được phê duyệt dự án năm 1985-1986 là thời kỳ cả nước khó khăn. Lúc ấy, người ta cũng nghĩ “làm bảo tàng để làm gì khi dân còn đang đói?”. Nhưng với tầm nhìn của lãnh đạo lúc đó, sự đấu tranh của bản thân và khát khao “để xã hội không quay lưng với bảo tàng”, tôi luôn cho rằng “sau cơn bĩ cực đến ngày thái lai”. Vì thế, xây bảo tàng là sự đi trước, là cần thiết, nếu không chuẩn bị sớm thì sau này sẽ muộn mất”, ông kể lại.
Các em nhỏ chơi trò chơi dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - Ảnh: Anh Vũ |
Bí quyết "đánh thức" bảo tàng
Ông Huy nhớ lại thời điểm xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những năm đầy khó khăn.
“Trong khi các bảo tàng khác không có khách, Bảo tàng Dân tộc học lại được xây dựng cách khá xa trung tâm Thủ đô, vậy làm sao để thu hút khách? Đó là câu hỏi, là thách thức mà tôi đặt ra cho mình phải tự vượt qua. Chúng tôi bắt đầu xây dựng bảo tàng với muôn vàn khó khăn: Không nhà, không cửa, không người, không hiện vật… Rồi khi xây dựng lại lộ ra nhiều khiếm khuyết. Và bài học đáng nhớ nhất trong xây dựng bảo tàng, chính là việc khép cửa sổ”, ông kể.
Ông kể, do chưa có kinh nghiệm nên các nhà thiết kế của ta tạo ra một bảo tàng với nhiều cửa sổ, trong khi nguyên tắc làm bảo tàng về cơ bản trong phòng trưng bày không nên tạo cửa sổ; còn kho bảo quản thì tuyệt đối không có cửa sổ. Sau khi đau đầu suy nghĩ, với sự tư vấn của các chuyên gia Pháp, ông và các cộng sự quyết định đóng tất cả các cửa sổ trong bảo tàng và chỉ tạo cho bảo tàng duy nhất một lối đi. Lộ trình đi vào, đi ra, đi thăm chỉ có duy nhất một cửa, thay vì mở nhiều cửa như trước kia.
“Nhiều bảo tàng mắc sai lầm là mở quá nhiều cửa, ánh sáng tự nhiên quá nhiều trong phòng trưng bày. Trong khi đó, việc mở nhiều cửa sổ sẽ tốn diện tích trưng bày, đồng thời cũng tạo ra nhiều ánh sáng tự nhiên sẽ làm hỏng hiện vật”, ông Huy phân tích và nói rằng, ông lại luôn muốn không gian trưng bày tối để tôn vinh hiện vật trong khoảng sáng tập trung. Tức là ông và các cộng sự khi đó đã mạnh dạn định hình “gu” thưởng thức cho khán giả, nâng tầm người xem, không chiều theo thị hiếu.
Ngay cả những lời giới thiệu ở Bảo tàng Dân tộc học cũng được ông chăm chút kỹ càng. Thay vì lối dùng người thuyết minh, Bảo tàng tạo ra thói quen tự khám phá cho khách tham quan bằng cách đọc. Tại đây, ngoài lời giới thiệu bằng tiếng Việt, còn có bản tiếng Anh, tiếng Pháp để du khách nước ngoài tiếp cận.
Chính vì tạo ra những sự khác biệt, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dù ở xa trung tâm vẫn luôn là bảo tàng thu hút đông du khách nhất cho đến nay suốt 20 năm sau ngày mở cửa.
Bảo tàng Phụ nữ cũng là một nơi in đậm dấu ấn của ông. Nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm Thủ đô, nhưng bảo tàng này luôn buồn tẻ, hiu hắt. Năm 2008, khi đã nghỉ hưu, ông được mời tham gia vào việc tìm lối đi mới cho bảo tàng. Cùng với các cộng sự, ông Huy bắt đầu công cuộc đánh thức bảo tàng đang ngủ quên. Ông đã giúp bảo tàng xin tài trợ, tổ chức tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài đến tổ chức lại hệ thống trưng bày trong vòng hơn hai năm. Và vào năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai trương mới, thay đổi hoàn toàn về chất.
Hay như Bảo tàng Mỹ thuật với nhiều hiện vật phong phú nhưng lại chưa hấp dẫn khách tham quan. Với vai trò là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cùng các cộng sự đã giúp xây dựng thành công phòng khám phá cho trẻ em tại Bảo tàng này. Ông cho rằng một khi lôi kéo được “thượng đế” nhí tới bảo tàng thì rất có tiềm năng sẽ chinh phục được nhiều đối tượng khách tham quan khác, trước hết là cha mẹ và gia đình của các em nhỏ. Bảo tàng Mỹ thuật cũng nhờ đó mà bước đầu “thay da đổi thịt”.
Bảo tàng kể câu chuyện về cuộc đời cha mẹ
PGS. TS. Nguyễn Văn Huy đã ấp ủ ý định xây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên – bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam từ lâu. Đến khi có điều kiện, ông đã cùng những người trong gia đình lập nên bảo tàng này ngay trên quê hương Lai Xá dấu yêu.
PGS. TS. Nguyễn Văn Huy đã từng đến nhiều bảo tàng ở các nước, và với tâm niệm mỗi chuyến đi chính là cơ hội học hỏi tri thức nên ông đã tranh thủ đến mức tối đa. Hàng nghìn bức ảnh, các ghi chép bằng giấy bút, các băng ghi âm… được ông lưu giữ cẩn thận từ những năm 1990 đến nay là những tư liệu vô giá để tham khảo, học hỏi.
Năm 2010, ông có dịp thăm Bảo tàng Anne Frank ở Hà Lan. Bảo tàng gợi nên câu chuyện của một cô gái Do Thái sống ở Amsterdam. Trong vòng ba năm trốn bọn phát xít khủng bố người Do Thái, cô gái khi ấy mới 13 tuổi, đã viết một cuốn nhật ký rất dài, ròng rã suốt 3 năm. Rồi sau đó, cô bị phát hiện, đưa đến trại tập trung rồi bị đưa vào lò thiêu. Đến năm 1946, cha cô bé trở về tìm thấy cuốn nhật ký của con gái, ông đã xuất bản cuốn nhật ký này, lập nên bảo tàng kể về câu chuyện đó để nói rằng, những ngày tháng khốn cùng của họ không bao giờ bị lãng quên. Và câu chuyện đau lòng nhưng lại nhân văn đó đã thu hút được tâm hồn của cả thế giới, khách đến bảo tàng rất đông. “Khi thăm bảo tàng, tôi nghĩ, câu chuyện của cô gái Do Thái đã làm xúc động cả thế giới, bởi họ thấy rằng con người dù bị đè nén, tiêu diệt vẫn luôn có sức sống vô cùng mãnh liệt. Vậy thì tại sao bố mẹ mình có cuộc đời gắn với lịch sử dân tộc hay như thế, sống trong thời bị ngoại bang nô dịch, rồi tự mình hòa nhập vào cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập, tại sao mình không thể kể câu chuyện của bố mẹ mình. Để rồi thông qua đó, kể câu chuyện về một dân tộc bị mất nước hơn 80 năm đã mạnh mẽ đứng lên giành độc lập, đánh thắng nhiều kẻ thù lớn. Tại sao không kể được câu chuyện của một đất nước có 95% người dân mù chữ đã làm thế nào để giờ đã có sự thay đổi đáng kể… Tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi như vậy”, ông kể lại và nói rằng, chính câu chuyện đó đã thúc đẩy ông xây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, không phải để ca ngợi bố mẹ mình, mà để kể câu chuyện của cả một đất nước qua lăng kính của một gia đình.
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được đặt ở quê nhà ông - thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội). Hơn 400 hiện vật trưng bày tại đây chính là tuổi trẻ, là cuộc đời và dấu ấn của cha mẹ ông mà cũng là một phần trong sự đa dạng, phong phú của lịch sử nước nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận