Tài chính

Người Dao Ba Vì kiếm tiền tỷ nhờ cây thuốc Nam

18/12/2022, 07:30

Chục năm trở lại đây, nhờ thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ nông nghiệp đơn thuần sang trồng cây thuốc Nam, người Dao Ba Vì đã đổi đời.

Xây nhà lầu, sắm xe hơi nhờ cây thuốc

Anh Lý Sinh Trình (trú tại thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) vừa cất xong căn biệt thự hơn 7 tỷ đồng nằm ngay đầu làng, cách cổng Khu du lịch Ao Vua chừng hơn 1km.

Ngoài 3 chiếc ô tô sang trọng để sân, anh vừa sắm thêm bộ bàn ghế gỗ hơn 300 triệu đồng đặt ở phòng khách.

img

Nhà anh Lý Sinh Trình xây 7 tỷ đồng

Hãnh diện nhưng vẫn giữ dáng vẻ khiêm tốn và điềm đạm, anh Trình chia sẻ, trước đây, khoảng những năm 1988 - 1989, gia đình anh sống bằng nghề phát nương làm rẫy.

Những nương gần thì trồng sắn, đót, nương xa thì trồng bương lấy măng. Từ lúc 15 tuổi, anh đã phải theo bố mẹ đi chặt măng. Mỗi người chặt 1 nương. Chặt xong phải tự mình gánh về trên quãng đường 6 - 7km. Có lần trời mưa, đường trơn, cả người lẫn măng quăng xuống vực. Anh lại lổm ngổm dậy, nhặt xếp lại rồi gọi người nhà đến “cứu trợ”.

Vất vả là thế nhưng thu nhập không được bao nhiêu, mỗi năm chỉ được khoảng 1 - 2 triệu đồng, đủ trang trải, mua những đồ dùng thiết yếu như mắm, muối, cá khô, không có tích trữ. Uớc mơ có 1 chiếc xe máy với anh là một điều gì đó xa xỉ.

Nhưng đến nay, nhờ nghề trồng và bốc thuốc Nam, gia đình anh thu nhập ngót nghét 1 tỷ đồng mỗi năm. Xây được nhà lầu, sắm xe hơi đều nhờ cả vào cây thuốc. Không những thế, anh còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục hộ dân bằng nghề trồng, sơ chế thuốc, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Cũng đổi đời nhờ trồng cây thuốc, anh Triệu Hữu Thủy (cùng thôn với anh Trình) cho biết, trước đây gia đình anh có 5 người nhưng chỉ vỏn vẹn 6 thước ruộng (144m2). Cuộc sống khó khăn, năm 1994, anh phải đi làm thợ xây dưới Hà Nội, công thợ khi ấy khoảng 12.000 đồng/ngày. “Cảnh thanh niên xa nhà, bạn bè bù khú nên cứ ráo mồ hôi thì hết tiền”, anh Thủy nhớ lại.

Nhưng từ năm 1996 đến nay, nhờ vừa trồng cây thuốc Nam vừa mở rộng buôn bán nguyên liệu, cuộc sống gia đình anh đã dần ổn định, thu nhập bình quân mỗi tháng 10 - 15 triệu đồng. Với tiền dành dụm được, anh vừa lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, vừa xây căn nhà mái Thái gần 1 tỷ đồng và sắm thêm chiếc ô tô 4 chỗ hàng hiệu.

Tích cực xóa đói giảm nghèo

img

Người dân tộc Dao đi hái thuốc

Gia đình anh Trình, anh Thủy chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ dân tộc Dao đổi đời từ nghề trồng cây thuốc Nam. Về Yên Sơn những ngày cuối năm, PV ghi nhận hình ảnh hàng trăm mái nhà cao tầng hiện đại, lấp ló đan xen phía sau tán rừng xanh núi Tản.

Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Phong cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 583 hộ người Dao với khoảng 2.000 nhân khẩu.

Trước đây, người Dao chủ yếu làm nông nghiệp, trồng sắn, đót, măng. Khoảng năm 2014 trở lại đây, chính quyền địa phương phối hợp Hội Đông Y huyện Ba Vì mở các lớp học chứng chỉ hành nghề nghề thuốc Nam.

Từ đó đến nay, đời sống người dân dần ổn định, công tác xóa đói giảm nghèo phát huy hiệu quả.

Nếu như giai đoạn năm 2014 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 47%, thì đến năm 2021 xã chỉ còn 11 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo. Năm 2022 chỉ còn 8 hộ nghèo (1,3%).

Diện tích đất sản xuất xã quản lý khoảng 300ha, hiện nay 100 - 120ha được người dân sử dụng trồng cây thuốc Nam. Thu nhập bình quân người dân khoảng 65 triệu đồng/người/năm.

Ngoài phát triển kinh tế hộ gia đình, người Dao còn mở rộng kinh doanh cây thuốc Nam bằng việc thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp và nộp thuế theo quy định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trăn trở phát triển cây thuốc

img

Thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, nơi bà con người Dao sinh sống

Hiệu quả phát triển kinh tế từ cây thuốc Nam là có, thế nhưng chính quyền địa phương và người Dao Ba Vì còn nhiều trăn trở, bởi dư địa trồng cây thuốc Nam ngày càng hạn chế.

Anh Lý Sinh Trình cho biết, thuốc Nam rất đa dạng, phong phú, mỗi loại cây phù hợp ở các tầng thổ nhưỡng khác nhau. Có những cây thuốc ngắn ngày và sống dưới cốt cao độ 100 (độ cao 100m so với mực nước biển). Nhưng có những cây lại phù hợp sống dưới tán rừng ở độ cao từ cốt 100 trở lên, tỷ lệ cây thuốc này chiếm 80% nguồn nguyên liệu.

Thế nhưng, từ ngày Vườn Quốc gia Ba Vì (năm 2008) từ cốt cao độ 100 trở lên giao về Bộ NN&PTNT quản lý, người dân không được vào khai thác.

Người có nhu cầu phải mua nguyên liệu nhập từ những địa phương khác. Do phải nhập nguyên liệu nên lợi nhuận từ cây thuốc cũng giảm đi. Trong khi đó, những tầng tán thuốc tại Vườn Quốc gia Ba Vì lại bị phát quang, phá bỏ lãng phí.

“Tổng diện tích nhà tôi trồng khoảng 30.000m2, đủ các loại cây thuốc như cây khôi, cây huyết... nhưng phần lớn là các cây ngắn ngày. Còn những cây thuốc quý mọc từ cao độ 100 trở lên hiện nay đang phải mua từ các địa phương khác như Hòa Bình, Phú Thọ. Nếu các địa phương khác thực hiện như Vườn Quốc gia Ba Vì, thì độ 10 năm nữa, nguồn nguyên liệu sẽ rất khan hiếm. Chỉ những người giàu mới được dùng thuốc Nam”, anh Trình chia sẻ.

Anh kiến nghị Nhà nước xem xét cấp, hoặc cho người Dao thuê đất để trồng thuốc Nam. Bộ NN&PTNT cho phép người dân được trồng, khai thác cây thuốc từ cốt 100 trở lên. Bởi việc trồng cây thuốc dưới tán giúp phát triển kinh tế và không ảnh hưởng đến gìn giữ bảo vệ rừng, ô nhiễm môi trường.

Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì xác nhận thông tin trên và cho biết, xã cũng đã có ý kiến đề nghị quy hoạch, cho phép người dân trồng cây thuốc dưới tán rừng, thế nhưng đến nay vẫn chưa được Vườn Quốc gia Ba Vì đồng ý.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ có buổi làm việc trực tiếp với cộng đồng người Dao. Từ đó nắm bắt tình hình, xem xét tháo gỡ cho người dân nhằm phát huy sinh kế, đồng thời góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng xung quanh theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Chi Cục thuế huyện Ba Vì, xã Ba Vì có khoảng 13 gia đình thành lập hợp tác xã thuốc Nam, tổng số vốn đăng ký khoảng 9,3 tỷ đồng, số thuế đã nộp năm 2022 là 36 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.