Phi Yến tại phòng thu âm chương trình “Bạn hữu đường xa” |
Chạm vào trái tim người cầm lái
Không chỉ riêng tôi mà nhiều người lái xe khác đều “mát dạ” khi nghe chất giọng Nam bộ trầm ấm, truyền cảm của Phi Yến trên sóng radio trong chương trình BHĐX. Dù không thấy mặt, nhưng nghe giọng Phi Yến dẫn chuyện qua sóng phát thanh, chúng tôi cảm giác như đang được ngồi tâm sự với một phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp… Với chất giọng này, nhiều năm qua, Phi Yến đã chuyển tải công việc ngồi trước vô lăng “khô khan” của “bác tài” thành đề tài thấm đẫm yêu thương và kết nối hàng nghìn lái xe ở mọi miền đất nước giúp họ thoải mái, tỉnh táo lái xe an toàn.
Qua nhiều lần “hò hẹn”, Phi Yến mới sắp xếp được thời gian ngồi tâm sự với chúng tôi về công việc thầm lặng của mình. “Lâu nay, xã hội có nhiều định kiến với nghề lái xe vì cho rằng nghề này không “đàng hoàng”, dễ phát sinh chuyện đa thê, đa thiếp. Người lái xe thường bị chê trình độ văn hóa thấp, cư xử thô lỗ… Trong khi, các “bác tài” ngồi sau vô lăng cả ngày, đối mặt nhiều rủi ro, áp lực nhưng kênh thông tin dành riêng cho họ gần như không có, dường như họ cô độc trên suốt hành trình dài. Do vậy, mỗi khi gặp chuyện không hay trên đường, các “bác tài” sẽ căng thẳng, ức chế và gián tiếp kéo theo những nguy cơ gây TNGT.
Trần Thị Phi Yến (SN 1982 tại TP HCM). Tốt nghiệp ĐH Luật TP HCM. Năm 2005, được tuyển vào làm việc tại Phòng Thông tin thương mại - giải trí FM99.9 mhz - Đài TNND TP HCM (VOH). Trong vai trò PV, chị đảm nhận thực hiện các đề tài xã hội, giao thông đô thị; Trong vai trò BTV, chị biên tập tin tức trực tiếp của Sài Gòn buổi sáng, Sài Gòn buổi trưa và Sài Gòn buổi chiều. Ngoài ra, Phi Yến còn là MC chính của chương trình BHĐX; Vững tay lái, trọn niềm vui; Cảm xúc online, Làn Sóng Xanh (âm nhạc)... |
Sau thời gian “thai nghén”, năm 2009, BHĐX ra đời và nhận được sự ủng hộ của bạn nghe đài và đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng lái xe trên toàn quốc. Trong mỗi chương trình, chúng tôi đều tâm sự với các “bác tài”, sau lưng mỗi người đều có hình ảnh mẹ già, con thơ, người thân đang chờ mình quay về an toàn…”, Phi Yến chia sẻ.
Đưa chúng tôi xem nhiều tấm ảnh ghi lại người lái xe ngồi vật vã trên đường trong những lúc kẹt xe hay bị ngập nước, lũ lụt…Phi Yến cho rằng, nghề ôm vô lăng xứng đáng được xã hội ghi nhận. TNGT đang là vấn nạn nhức nhối của xã hội và đất nước. Trung bình mỗi ngày có hơn 24 người vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống, 60 người bị thương tật suốt đời do TNGT. Chưa kể, bình quân mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 40 nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả TNGT. Có người so sánh TNGT với những mất mát của chiến tranh. Trong vai trò và khả năng của mình, tôi hy vọng BHĐX sẽ tiếp tục chạm vào trái tim của người cầm lái, đánh động vào lương tâm, trách nhiệm của họ khi ôm vô lăng. Chương trình đã qua nhiều năm, nhưng trước khi phát sóng, lúc nào tôi cũng hồi hộp chờ đón tin vui từ “bác tài” như: Không xảy ra TNGT, hôm nay không có kẹt xe…
Phi Yến dẫn chứng: “Khi họ ôm vô lăng, trong tay họ là sinh mạng của nhiều người. Chính họ mới là người đưa chúng ta đi, về an toàn trên mọi nẻo đường, nên tôi cho rằng, xưng “bác tài” thân thiện hơn là gọi “tài xế”. Tôi đã thay đổi cách gọi này và được nhiều thính giả ủng hộ. Việc xưng hô tưởng đơn giản, nhưng sẽ giúp họ vơi đi những mặc cảm và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội hơn. Thông qua BHĐX, nhiều “bác tài” thổ lộ đã thay đổi hành vi lái xe, ý thức cầm vô lăng, luôn đặt tính mạng con người lên trên hết, tôn trọng Luật GTĐB hơn…”.
Các “bác tài” là kho văn học
Cầm xấp tài liệu photo lại những bài thơ, câu hò, vè, nhạc mà các “bác tài” gửi về chương trình BHĐX, Phi Yến cười tươi khoe: “Chương trình BHĐX không chỉ là diễn đàn đề cao tính an toàn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cầm lái an toàn, tuyên truyền Luật GTĐB mà còn được chính các “bác tài” nhẹ nhàng chuyển thể thành những câu chuyện hài hước của nghề lái xe trên sóng phát thanh. Họ hào hứng, tạo ra phong trào sáng tác thơ ca, hò vè liên quan đến giao thông trong BHĐX. Có thể nói đây là một kho văn học dân gian mà tôi rất bất ngờ…”.
Điều làm Phi Yến hạnh phúc nhất là trong hơn 5 năm phát sóng, chương trình thực sự đã gắn kết cộng đồng “bác tài” trên khắp mọi miền đất nước như một ngôi nhà chung. Có sự tương thân, tương ái, những vui buồn đều được các “bác tài” quan tâm, sẻ chia trên sóng phát thanh. Từ diễn đàn này, các “bác tài” kêu gọi chia sẻ điều kiện kinh tế với những người còn nghèo khó hoặc chia sẻ với đồng nghiệp không may vướng vào lao lý, bệnh tật…”.
Chia sẻ về thông điệp năm mới của BHĐX, Phi Yến tiết lộ: “Chương trình sẽ tiếp tục phát huy tinh thần lâu nay, đó là “bác tài” phải thực hiện tuyệt đối, tuân thủ lái xe 4 đúng: Đi đúng đường, dừng đúng vạch, chạy đúng tốc độ, chở đúng người và đúng tải quy định”.
“Sau cùng có một câu nói mà bản thân tôi rất thích đó là không ai có thể quay ngược thời gian để bắt đầu lại, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu từ ngày hôm nay và tạo ra một kết thúc mới. Vậy nên, hãy luôn bắt đầu mỗi ngày của mình bằng sự cẩn thận, cẩn trọng để chúng ta tạo ra kết quả là một hành trình an toàn mọi lúc, mọi nơi…”, Phi Yến chia sẻ.
Cũng theo Phi Yến, năm mới, mỗi tháng hai lần lãnh đạo Phòng CSGT sẽ tham gia trả lời trực tiếp những vướng mắc của các “bác tài” khi điều khiển xe trên đường. “Chúng tôi hy vọng sự kết nối này sẽ góp phần kéo giảm TNGT như mục tiêu và chủ trương của Chính phủ, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia…”, Phi Yến bộc bạch.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM: Tôi thường nghe BHĐX và lãnh đạo ban đánh giá rất cao chương trình có ý nghĩa này. Chương trình đã có tiếng nói uy tín, quan trọng, góp ý thiết thực đối với các cơ quan chức năng về những bất cập trong quá trình tổ chức giao thông, trên cơ sở thực tiễn từ các bác tài. Đặc biệt là chương trình đã góp công nhiều trong việc tuyên truyền Luật GTĐB, ĐTNĐ và đường sắt đến mọi thành phần xã hội và góp phần kéo giảm TNGT ở TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam… “Bác tài” Nguyễn Văn Sơn (56 tuổi ở Cần Thơ): Trước đây, chúng tôi bị “vướng” nhiều chuyện trên đường nhưng không biết tâm sự cùng ai. Từ ngày nghe và thường xuyên tham gia chương trình, chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ khi lái xe trên đường. Hàng năm, anh em đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước đều về TP HCM dự lễ sinh nhật chương trình. Qua BHĐX, chúng tôi hiểu nhiều hơn, thấy mình có kiến thức pháp luật và tôn trọng lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường. Những đồng nghiệp không rành đường đi từ tỉnh này sang tỉnh kia, chúng tôi sẵn sàng tư vấn để họ lưu thông thuận tiện và an toàn. Chúng tôi còn kêu gọi sự tương thân, tương ái giúp đỡ đồng nghiệp và người dân khi hoạn nạn, khó khăn về kinh tế; Kêu gọi đồng nghiệp không đưa khách vào những quán ăn “chặt chém” mà nên đưa khách vào những quán ăn ngon, mang đậm phong cách vùng miền. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận