Trận hải chiến sinh tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc 28 năm trước, mãi là mốc son của dân tộc. |
“Sau gần 2 năm bị giam giữ nhưng không khai thác được gì, phía Trung Quốc đã cho 9 người chúng tôi viết thư về nhà. Bức thư chỉ vẻn vẹn 25 chữ, khởi đầu cho việc trở lại quê hương cho cả 9 anh em”, anh Đông kể.
Trận hải chiến diễn ra vào ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma mãi mãi là mốc son của dân tộc, khi đó, 64 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cùng con tàu HQ 604 để bảo vệ một phần máu thịt của Tổ quốc thân yêu. Riêng mảnh đất máu lửa Quảng Bình, ngày đó có 13 người con hy sinh, 2 người vinh dự được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Thời gian đã trôi qua nhưng kí ức về ngày “bi hùng” đó mãi còn ở lại, vẹn nguyên. Vào những ngày này, chúng tôi lại tìm về gặp một trong những nhân chứng sống, để được nghe anh kể về trận hải chiến không cân sức và những nỗi niềm mãi mãi không thể nào quên.
Những kí ức về trận hải chiến sinh tử
Xuyên qua những mảnh rừng cao su thẳng mượt, chúng tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của cựu binh Lê Văn Đông (ở xóm Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch). Anh Đông là một trong ba người con may mắn sống sót để trở về với quê mẹ Quảng Bình, sau khi bị phía Trung Quốc bắt giam vào ngày 14/3/1988.
Anh nhớ lại, cưới vợ được đúng một hôm thì tôi phải tạm biệt gia đình và người vợ trẻ để lên đường vào lại đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Một tuần sau đó chúng tôi nhận lệnh ra xây dựng nhà giàn trên đảo Gạc Ma. Chiều ngày 13/3/1988, cả đơn vị ra đến đảo, ngủ được 1 đêm. Đến sáng ngày 14 thì bị tàu Trung Quốc bắn. Tình hình lúc đó trên Gạc Ma quá nguy cấp, tôi cùng một số chiến sĩ trên tàu HQ-604 định cho tàu lao thẳng lên đảo nhưng không kịp, đạn pháo của địch khiến tàu bốc cháy và chìm ngay sau đó.
Tàu HQ 604 trước trận hải chiến. |
Lúc tàu chìm, anh Đông cùng một số đồng đội bị mắc kẹt lại trong khoang tàu tưởng chừng như sẽ chết. “Bỗng nhiên tàu lật ngiêng lại nên tôi và một số đồng chí trôi ra ngoài. Lúc trồi lên thở được, điều đầu tiên tôi làm là nói câu tạm biệt gia đình, vợ con vì nghĩ mình không thể sống nổi giữa làn đạn dày đặc”, anh Đông kể.
Sau đó, anh Đông và 8 đồng đội chới với giữa biển cả, người thì vớ được khúc gỗ, người vớ được can nhựa rồi trôi lênh đênh theo sóng biển. Bị thương ở lưng, máu chảy nhiều nhưng, anh Đông cũng đành cắn răng chịu đựng vì tất cả đều đang ở giữa gianh giới giữa sự sống và cái chết.
“Trôi như thế đến khoảng 5h chiều cùng ngày thì gặp tàu hải quân Trung Quốc. Họ vớt chúng tôi lên và trói lại, cứ hai người trói làm một vào chân ghế và không cho ăn uống gì”- anh Đông nhớ lại sự tàn nhẫn của phía địch khi vừa bị cầm tù.
Tàu chở các chiến sĩ cứ đi như thế, đến ba ngày sau thì cập đất Lôi Châu (Trung Quốc). “Chúng tôi có 9 người, mỗi người bị giam một phòng riêng biệt. Thỉnh thoảng lại bị đưa đi hỏi cung, địch hỏi về đơn vị đóng quân, quân số, ai chỉ huy, hoàn cảnh gia đình như thế nào…” anh Đông cho hay.
Lần nào được hỏi về công việc anh em đều trả lời không biết, còn về phần gia đình thì phần lớn ai cũng khai nhà chỉ có một mình và bố mẹ già 80 tuổi.
Giam như thế được 1 năm rưỡi thì họ cho chúng tôi viết thư về nhà, bức thư chỉ viết bằng một mặt giấy nhỏ như lòng bàn tay nhưng với hoàn cảnh bấy giờ đó là cả một hi vọng lớn lao, để gia đình biết là mình vẫn còn sống và chờ cơ hội quay về.
Cựu binh Lê Văn Đông - người may mắn còn sống sau khi bị địch bắt, tù đày. |
Mong sớm đưa hài cốt đồng đội về với đất mẹ
Anh đi khi vợ là chị Nguyễn Thị Thương đang mang bầu đứa con gái đầu lòng. “Lúc đang có bầu thì được tin chồng mất tích trên biển, tôi như rụng rời chân tay. Những tháng có bầu tôi chỉ toàn khóc nên sinh con gái tôi đặt tên cho cháu là Lệ Thúy. Khi con được 4 tháng tuổi, tôi nhận được giấy báo tử của chồng rồi hoàn toàn suy sụp. Sau đó hơn 1 năm thì gia đình nhận được thư anh, tôi như sống lại. Lần đó viết thư qua, họ quy định bức thư không quá 25 chữ, hôm đó gần như cả thôn họp lại để viết thư trả lời anh”, chị Thương kể.
Chị vẫn còn nhớ nội dung bức thư lúc đó là: “Đại gia đình vẫn khỏe, đã nhận được thư con, mong con sớm về đoàn tụ cùng gia đình vợ con”. Đúng 3 năm, 5 tháng, 15 ngày thì anh về, bà con lối xóm đến chia vui chật hết trong nhà ngoài ngõ.
Sau khi anh về, anh chị có thêm người con trai thứ hai, anh đặt tên là Lê Quần Đảo, lúc đầu anh còn định đặt tên cháu là Trường Sa và đứa con út tên là Lê Tường Linh năm nay đang học lớp 6. Hiện nay con gái đầu của anh đã làm giáo viên ở TP.Hồ Chí Minh, hai con trai đang học, anh và chị ở nhà chăm sóc vườn cao su và trồng thêm hoa màu để trang trải cuộc sống gia đình.
Mỗi năm một lần, cứ đến ngày 14/3 là những người may mắn sống sót trong trận Gạc Ma ở Quảng Bình lại cùng ngồi lại với nhau, kể những câu chuyện xưa. Trở về cuộc sống đời thường, các anh mỗi người một số phận riêng nhưng những cựu binh Gạc Ma luôn hướng về nhau. Nụ cười đoàn viên còn chưa được trọn vẹn, các anh ai cũng đau đáu một nỗi niềm về hài cốt của một số đồng đội còn chưa được về đất mẹ…
“Vẫn biết khó khăn lắm, nhưng mong rằng hài cốt của đồng đội mình sẽ sớm được đưa về đoàn tụ gia đình, về an nghỉ nơi quê nhà”, anh Đông kể khi nước mắt đã lưng tròng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận