Nữ luật sư Trương Thị Hoà trong một lần cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến tòa |
Mỗi lần được tài xế riêng đưa đến tòa án với chiếc siêu xe, ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên thường đi cùng với một nữ luật sư “bí ẩn”. Đó là nữ luật sư Trương Thị Hòa, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. Vị nữ Luật sư này có Văn phòng Luật sư riêng ở phường Bến Nghé, quận 1.
Trả lời báo Lao động, luật sư Trương Thị Hòa xác nhận mình chính là luật sư bảo vệ pháp lý cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vụ li hôn nghìn tỉ. Nữ luật sư này đã từng tham gia nhiều vụ ly hôn đình đám của những đại gia và giới nghệ sĩ. Bà cũng là vị luật sư quen biết và gắn bó với ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngay từ những buổi đầu ông Vũ khởi nghiệp kinh doanh.
Luật sư Trương Thị Hòa hành nghề luật sư từ trước năm 1975, sau khi tốt nghiệp đại học, bà đi vào con đường luật sư và gắn bó với nghề hơn 45 năm qua.
Theo đánh giá của một lãnh đạo Hội luật gia TP.HCM, bà Hòa là một trong những vị luật sư có tiếng trong Đoàn Luật sư Thành phố. "Bà Hòa là người có nhiều kinh nghiệm trong việc bào chữa các vụ ly hôn, những vụ ly hôn đình đám của các đại gia thường liên quan đến tài sản rất lớn. Do vậy, thân chủ thường chọn những luật sư có kinh nghiệm và nổi tiếng", luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nói với PV.
LS Trương Thị Hòa rất yêu nét đẹp dung dị của tà áo dài, vì vậy mỗi lần xuất hiện trước tòa bà thường chọn trang phục này |
Những người lao động nghèo, đặc biệt là phụ nữ thường tìm đến bà Hòa để được tư vấn pháp lý miễn phí. "Tôi thấu hiểu nỗi khổ sở, thiệt thòi của người lao động nghèo "mù" luật, mà còn đi kiện cáo thì rất là khổ, nên giúp được gì là tôi giúp ngay không câu nệ", LS Hòa nói với PV báo Lao Động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp làm ăn nhưng không rành luật, bà Hoà cũng là người thường xuyên đăng đàn trò chuyện pháp luật, gỡ rối về thủ tục pháp lý để giúp họ bước vào con đường kinh doanh.
Luật sư Trương Thị Hòa đã tư vấn và hỗ trợ nhiều thủ tục pháp lý cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi mới bước chân vào con đường kinh doanh . Có lẽ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên có lý do riêng để chọn luật sư Trương Thị Hòa, trong số hàng nghìn luật sư tại TP.HCM để bảo vệ cuộc chiến pháp lý cho cá nhân mình và cho cả Tập đoàn.
Tài sản của Trung Nguyên sẽ được phân chia thế nào sau ly hôn?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuộc trò chuyện với báo chí |
Trong một diễn biến khác có liên quan, trả lời báo Tiền Phong, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết cuộc ly hôn giữa ông và bà Thảo sẽ chính thức được đưa ra phân xử từ ngày 5/9/2018 sắp tới. Với 4 đứa con, gồm 2 trai đầu đang học bên Úc, 2 gái sau đang sống với mẹ; con cả 18 còn con út mới 8 tuổi, ông Vũ tôn trọng quyền lựa chọn của các con, dù mong muốn lớn nhất của ông là được nuôi cả 4 con, không yêu cầu cấp dưỡng. Nếu các con muốn theo mẹ, ông cũng đã trao đổi cặn kẽ với luật sư về cách chăm lo đầy đủ cho đến khi các con thật sự trưởng thành.
Cụ thể: Bà Thảo muốn chia cổ phần cho các con nhưng nếu cộng 50% cổ phần của bà Thảo với 20% cổ phần của 4 con thì bà Thảo sẽ thừa tỉ lệ sở hữu để chiếm quyền điều hành tập đoàn. Vì vậy ông Vũ muốn chia cho các con bằng cổ tức.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ |
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết do vụ kiện phức tạp, đặc biệt là phần phân chia khối tài sản hàng nghìn tỉ, cùng các thương hiệu, 9 công ty, chuỗi nhà máy của tập đoàn, nên mỗi bên đều có không dưới 5 luật sư tham gia tố tụng. Vì vai trò, công sức của mỗi bên trong việc xây dựng tập đoàn là yếu tố quyết định cho tỉ lệ phân chia, nên ai là người có vai trò sáng lập tập đoàn này đã được xem xét kỹ.
Hiện tổng tài sản của tập đoàn cơ bản được chia thành 5 khối: 1, Các bất động sản đã có giấy tờ sở hữu đứng tên 2 vợ chồng, ông Vũ đồng ý theo cách định giá của bà Thảo, sẽ chia đôi. 2, Các bất động sản chưa hoàn tất thủ tục sở hữu: Để lại, chia sau. 3, Khối tiền bạc, đá quý, sổ tiết kiệm, ngoại tệ: Để lại chia sau. 4, Cổ phần trong 7 công ty con của tập đoàn: Đây là mảng tài sản phức tạp, gay cấn nhất trong phân chia, dù vẫn được Đại hội đồng cổ đông theo dõi, giám sát và Kiểm toán hằng năm. 5, Công ty CP TĐ Trung Nguyên tại Singapore.
Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng đã định giá xong các giá trị hữu hình, vô hình, quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu cà phê G7. Tất cả các khối tài sản này tổng giá trị lên tới vài nghìn tỉ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận