Bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo là nhóm nguy cơ cao nhất nhiễm Covid-19
Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, những người mắc suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo là nhóm nguy cơ cao nhất nhiễm Covid-19 bởi khả năng miễn dịch kém, thường xuyên phải đến bệnh viện, quá trình đi lại tiếp xúc nhiều người...
Bỏ việc, chỉ loanh quanh trong nhà vì lo nhiễm Covid-19
Từ đầu mùa dịch đến giờ, ngoài buổi đến viện chạy thận, bà Trần Thị Thu (trú tại Lê Thanh Nghị, Hà Nội) không rời xóm trọ một bước. Mỗi lần ngồi hóng mát ngoài ngõ, chiếc khẩu trang luôn là vật bất ly thân.
Bà Thu cho hay: “Từ đợt dịch thứ 2 khi BV Bạch Mai phải phong tỏa cách ly y tế, chúng tôi đã được các bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng về phòng dịch để tránh lây nhiễm do sức đề kháng rất kém. Sau đó là đợt dịch Đà Nẵng “đánh thẳng” vào nơi điều trị các bệnh nhân thận, nhiều người nhiễm Covid-19 rồi tử vong, khiến chúng tôi rất lo lắng. Tôi cũng như nhiều bệnh nhân thận quanh đây chấp nhận bỏ công việc buôn bán vặt, tránh tiếp xúc với người khác để giữ sức khỏe”.
Mới đây, thông tin về bệnh nhân Covid-19 (37 tuổi, trú tại hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM) tử vong chỉ sau ít ngày mắc Covid-19 cũng khiến nỗi lo của bệnh nhân suy thận càng tăng lên.
Trước đó, bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân được xác định nhiễm Covid-19 nặng kèm sốc nhiễm trùng, suy tim trên cơ địa tăng huyết áp, suy thận mạn giai đoạn cuối.
Trước đó, tại đợt dịch bùng phát trong các bệnh viện ở Đà Nẵng, cũng đã có 20 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong trên nền bệnh thận mạn tính.
TS.BS. Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Theo nghiên cứu, bệnh nhân mắc thận mạn tăng nguy cơ bị nhiễm các bệnh lý trong đó có Covid-19.
Nguyên nhân do người bệnh thận mạn vốn có sức đề kháng kém, đáp ứng miễn dịch kém và khi nhiễm bệnh dễ tiến triển nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Bên cạnh đó, người bệnh thận nhân tạo sẽ phải đi đến bệnh viện lọc máu định kỳ 3 lần/tuần, mỗi lần 4 tiếng. Với việc đi lại, tiếp xúc với nhiều nguồn dịch tễ khác nhau sẽ làm tăng nguy cơ mắc Covid-19”.
Chủ động bảo vệ người bệnh
Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa nội Thận -Tiết niệu - Hô hấp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) hiện đang quản lý điều trị khoảng 120 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Từ mùa dịch thứ 3, tại đây đã triển khai các hình thức liên lạc với người bệnh qua điện thoại, sử dụng mạng Zalo… đảm bảo có thể tư vấn, hỗ trợ người bệnh kịp thời.
Trường hợp người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ thì chủ động gọi điện thông báo cho nhân viên y tế trước khi đến để được hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm cho người khác, sắp xếp thời gian cụ thể, tổ chức khu vực tiếp đón, sàng lọc và điều trị riêng biệt.
Theo bác sĩ tại đơn nguyên thận nhân tạo này, với kế hoạch lọc máu 3 ca/ngày, người bệnh được hẹn lịch, có ngày giờ cụ thể và đến đúng theo lịch hẹn. Khi đến khoa, người bệnh được đo thân nhiệt ngay từ cửa khoa, thay quần áo bệnh viện và được bố trí mỗi người một giường nằm nghỉ ngơi, khai báo y tế, được bác sĩ khám sàng lọc trước khi vào phòng chạy thận.
Tất cả các bước này nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh, hạn chế người bệnh tập trung đông khi chờ đợi, giúp người bệnh có sự chuẩn bị tốt nhất cho ca chạy thận kéo dài 4 - 5 tiếng sắp tới.
Tất cả người bệnh đảm bảo được đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào phòng thận nhân tạo. Nhân viên y tế mặc trang phục phòng hộ cá nhân theo quy định trước khi tiến hành thủ thuật cho người bệnh.
Sau mỗi ca chạy thận, các thiết bị, dụng cụ xung quanh người bệnh đều được khử khuẩn theo quy định, thay mới ga giường. Phòng thận cũng được mở cửa sổ thông thoáng vào cuối ngày làm việc đảm bảo thông khí.
Nhấn mạnh “bệnh Covid-19 là mối đe dọa đặc biệt đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn, đặc biệt là những người đang lọc máu và ghép thận”, BS. Cường cảnh báo, để bảo vệ chính mình, tất cả bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm những chỉ định của các bác sĩ.
Người bệnh cần đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, đặc biệt khi lọc máu, khi di chuyển và khi tiếp xúc với người khác; Chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống có bị cách ly hay không để được hướng dẫn và giúp đỡ. Báo ngay cho nhân viên y tế những triệu chứng như: Sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, giảm khứu giác.
Bệnh nhân không ăn uống, nói chuyện trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào thùng rác y tế sau đó vệ sinh tay cẩn thận. Lọc máu xong bệnh nhân nên về nhà ngay, tắm bằng nước ấm và thay quần áo mới.
Ngoài ra, khi di chuyển đến bệnh viện để lọc máu, bệnh nhân nên dùng xe cá nhân như xe máy, ô tô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng. Chủ động tự cách ly, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người khác khi ở nhà cũng như khi lọc máu tại bệnh viện.
“Bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ cần luôn nâng cao cảnh giác và tinh thần phòng chống dịch trong đó có việc ăn uống, vệ sinh khoa học, bổ sung vitamin và vận động thể chất phù hợp để nâng cao sức đề kháng”, ông Cường khuyến cáo.
Theo TS.BS. Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường lớn tuổi, khoảng trên 60 tuổi với nhiều bệnh nền như: Đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, phổi mạn tính, viêm gan, xơ gan..., nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và khi nhiễm bệnh nguy cơ cao biến chứng nặng.
Trước mối đe dọa của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện có điều trị bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính nói riêng và các bệnh lý mạn tính khác phải đặc biệt chú ý, nghiêm ngặt thực hiện các giải pháp bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người xung quanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận