Bất kể ngày hay đêm, anh Quyết vẫn cần mẫn kiểm tra từng con ốc bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu |
Giữa cái nắng như thiêu đốt ở Bình Thuận, giọt mồ hôi chảy dài ướt đẫm áo, dáng anh liêu xiêu trên đường sắt dài hun hút...
Đôi chân không mỏi
Một người bình thường, để đi bộ được 18 km đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, thế nhưng với các anh công nhân tuần đường, còn phải mang theo túi nghề lỉnh kỉnh, nào cờlê, búa, cờ, đèn, pháo hiệu... là chuyện thường ngày. Mà đâu chỉ có thế, vừa đi, vừa phải kiểm tra từng thanh ray, tà vẹt có chiếc ốc nào lỏng thì vặn lại, có đoạn nào chưa đảm bảo an toàn phải báo ngay với cung trưởng để kịp thời khắc phục...
Khi tôi ngỏ ý muốn đi bộ cùng ca trực, anh Bạch Đình Quyết, nhân viên tuần đường ở cung 1.560 nhìn xuống đôi giầy của tôi cảnh báo: “Chị theo tôi chỉ 2 km thôi là đường ray sẽ làm đôi giầy của chị mòn vẹt. Cứ ba tháng công ty phát cho công nhân tuần đường một đôi giày bata, nhưng chỉ hơn một tháng tôi đã phải bỏ tiền thay đôi mới”.
"Đơn vị hiện quản lý 22 cung đường sắt, ba cung cầu, 7 cung chắn. Tại đội quản lý đường sắt Bình Thuận có một cung cầu, 7 cung đường trong đó cung Tà Mon, Suối Vận, 1.560, đời sống của công nhân khó khăn, nhất là công nhân tuần đường vì cách xa bản làng, đường đi cách trở. Ngoài lương công ty bồi dưỡng thêm chế độ độc hại như phát sữa, đường. Mỗi cung, công ty còn hỗ trợ xây dựng năm gian nhà lưu trú, khoan giếng nước cho công nhân sinh hoạt…”. Ông Nguyễn Văn Thái Hòa Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn |
“Chúng tôi đi bộ quen rồi, chị không theo nổi đâu”, dứt lời, anh Quyết xốc túi đồ nghề lên vai trái, đầu đội mũ bảo hộ và bước đi thoăn thoắt trên thanh ray. Hành trình của anh xuất phát từ cung 1.560, ngược ra phía Bắc. Cả đi và về cộng thêm thời gian đổi thẻ, ký sổ nhật trình, mất chừng 8 tiếng rưỡi. Đây là hành trình đều đặn mà mỗi lần lên ban các anh phải làm.
Vào nghề từ cuối năm 2005, đời sống khó khăn, anh phải xin Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn cho vợ con được cùng ở nhà lưu trú tại cung 1.560. Với mức lương 3,5 triệu/tháng, xuống ban là anh tranh thủ làm thêm như nhặt cỏ, hái thanh long… để kiếm thêm tiền nuôi hai đứa con nhỏ.
Lom khom vặn ốc trên đường ray, Quyết kể: “Lúc mới vào nghề, đi bộ không quen chân nhức mỏi không chịu nổi. Những đêm đi tuần gặp trời mưa, quần áo ướt sũng, nước thấm vào người cảm sốt như cơm bữa. Không những thế còn hít phải khói bụi và xú uế mà những người đi tàu thải ra rất khó chịu”.
Nhưng khi chúng tôi hỏi, nếu tìm được công việc tốt hơn anh có chuyển, Quyết nói ngay: “Đi riết thành quen chân, mình muốn gắn bó nghề này đến già. Nếu vì đồng lương ít ỏi mà nghỉ thì liệu ai còn làm công việc tuần đường nữa, ai sẽ đảm bảo an toàn cho ngành Đường sắt”.
Chàng công tử dầm mưa dãi nắng
Trong cung Suối Vận (Bình Thuận), mọi người đều bảo Nguyễn Minh Chiến, SN 1983 là con nhà “nòi”, nhưng được bố mẹ rất cưng chiều. Gia đình ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), học xong anh được chuyển vào làm công nhân tuần đường tại cung Tà Mon ở Bình Thuận, sau đó anh chuyển qua cung Sông Phan. Hai năm sau, anh được điều động về làm cung trưởng Suối Vận. Với 8 năm tuổi nghề, Chiến là một cung trưởng trẻ tuổi nhất trong Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn.
Nhớ hồi ở cung Tà Mon, Chiến kể: “Vào mùa mưa, đường lầy lội không đi được bất cứ phương tiện nào. Không đi chợ được nên cả tuần chỉ ăn cơm với rau. Còn tại cung Suối Vận, gặp trời mưa là anh em trong cung phải bơi qua, nhiều lần còn bị nước cuốn trôi cả người và xe dạt vào một gốc cây”.
Với một thanh niên mới ra trường đã quen được gia đình bao bọc, sống nơi phố thị nên Chiến chẳng thể chịu nổi. Anh liền gọi điện bảo mẹ muốn nghỉ làm bởi cuộc sống quá cơ cực. Thế nhưng được sự động viên của bố mẹ, anh em đồng nghiệp, anh đã ở lại. “Giờ thì mình đã yêu thích công việc này rồi. Nếu sau này có người yêu không thông cảm, chia sẻ, thà bỏ chứ nhất định không bỏ nghề”, Chiến quả quyết.
Dù nghe Chiến nói cứng như thế nhưng nhìn cuộc sống trong rừng vắng xa xôi muốn đi chợ cũng mất gần 40km đường rừng, có lẽ cô gái nào yêu Chiến cũng phải có tình yêu đường sắt không toan tính thiệt hơn như anh. Bởi vậy, đến nay Chiến vẫn chưa có người yêu.
Có đi mới thấy cuộc sống sinh hoạt của các anh tuần đường thiếu thốn nhưng tôi cũng cảm nhận được sự lạc quan với sự hy sinh thầm lặng để làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu ngược xuôi.
Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận