Hỏi - Đáp

Người vi phạm chống đối, CSGT có được dùng vũ lực khống chế?

26/01/2023, 06:00

Theo luật sư, CSGT được phép sử dụng vũ lực để trấn áp, khống chế người vi phạm trong một số trường hợp nhất định.

Liên hệ đường dây nóng Báo Giao thông, bạn Lê Thị Hiền (ở Nho Quan, Ninh Bình) hỏi: "Tôi thấy nhiều trường hợp người vi phạm giao thông bất hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của CSGT. Một số trường hợp còn chống đối, đe doạ, thậm chí tấn công CSGT.

Vậy khi đó, có được dùng vũ lực để khống chế, trấn áp người vi phạm giao thông không?".

img

Người vi phạm bị khống chế khi không chấp hành hiệu lệnh, cố tình tăng ga bỏ chạy, húc vào người CSGT

Trao đổi về nội dung này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: Thông tư 65/2020/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT quy định: CSGT có quyền dừng các phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát giấy tờ của phương tiện, người tham gia giao thông; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định pháp luật...

Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Theo như các quy định trên, thì Thông tư 65/2020/TT-BCA không quy định rõ CSGT có quyền được đánh người vi phạm. Nhưng trường hợp người vi phạm chống đối, thì CSGT có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Còn Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ nêu rõ để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, có thể áp dụng những biện pháp cụ thể như giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó.

Nếu người vi phạm không chấm dứt hành vi vi phạm, thì cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

"Nghị định số 208/2013/NĐ-CP cho phép trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ", luật sư Cường cho hay.

Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ:

1. Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra.

2. Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

3. Bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

5. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.