Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về Báo Giao thông phản ánh bị CSGT lập biên bản xử phạt nhưng không có hình ảnh chứng minh lỗi, CSGT không cho ghi ý kiến vào biên bản nên không ký biên bản vi phạm giao thông thì bị xử phạt thế nào?
Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định: CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 2 bản. Phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký. Nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản. Trường hợp biên bản gồm nhiều tờ. Những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký, người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 1 bản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật và căn cứ vào các trường hợp trên, việc người vi phạm không chịu ký vào biên bản, vẫn sẽ bị xử phạt đối với lỗi vi phạm. Trường hợp này, CSGT có thể yêu cầu đại diện chính quyền, hoặc hai người chứng kiến ký vào biên bản và ghi rõ lý do người vi phạm không ký vào biên bản. Đồng thời, CSGT phải ghi rõ vào biên bản lý do người vi phạm từ chối ký vào biên bản.
Nếu người vi phạm cho rằng việc hành vi xử phạt của CSGT chưa đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình có thể khiếu nại theo Luật Khiếu nại.
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 về trình tự khiếu nại quy định: Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Điều 9 Luật khiếu nại 2011 quy định: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Như vậy, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận